Trong kỷ nguyên số, xác thực điện tử không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết. Chữ ký số – với khả năng chứng thực danh tính, đảm bảo tính toàn vẹn và giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử – từ lâu đã được xác định là “trụ cột pháp lý” cho xã hội không giấy tờ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, tính phân tán trong hệ thống và yêu cầu phần cứng riêng biệt đã khiến chữ ký số khó tiếp cận với đại đa số người dân.
Việc đưa tính năng đăng ký và sử dụng chữ ký số trực tuyến vào VNeID – một ứng dụng có hàng chục triệu người dùng đã định danh – có thể xem là lời giải cho bài toán này.
Việc Bộ Công an công bố RS-HUB – Cổng ký số từ xa tập trung tích hợp ngay trong VNeID – cho thấy tầm nhìn chuyển đổi số đang chuyển từ rời rạc sang đồng bộ. Thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước phải tự xây dựng và duy trì một hệ thống xác thực riêng, RS-HUB đóng vai trò như một “hạ tầng chung”, giúp chuẩn hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy khả năng tương tác hệ thống giữa các bên.
Sự tham gia của các “ông lớn” trong lĩnh vực xác thực số như VNPT, Viettel, MISA hay FPT… cho thấy tiềm năng mở rộng của giải pháp. Không chỉ là đăng ký ký số một cách đơn giản, người dân và doanh nghiệp còn có thể xem lịch sử ký, tra cứu chứng thư và thực hiện các nghiệp vụ tài chính, y tế, pháp lý… mà không cần gặp mặt trực tiếp.
Sự kiện Vietcombank, BIDV, PVCombank hay Bệnh viện Xanh Pôn tiên phong tích hợp chữ ký số trên VNeID mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nó đánh dấu bước chuyển dịch quan trọng từ số hóa hành chính sang số hóa dịch vụ công và dân sinh. Khi một công dân có thể dùng một ứng dụng duy nhất – được nhà nước xác nhận – để vay vốn, khám chữa bệnh, ký hợp đồng, khai thuế… thì xã hội số không còn là viễn cảnh, mà là thực tế.
Tuy nhiên, như Đại tá Ngô Như Cường, Phó cục trưởng C06 nhấn mạnh, để hệ thống này phát huy tối đa hiệu quả, cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản: từ mô hình kinh doanh dịch vụ linh hoạt, cho đến truyền thông, hướng dẫn người dân hiểu và sử dụng.
Việc tích hợp ký số vào VNeID đang mở ra một cánh cửa lớn cho công cuộc định danh toàn dân. Nhưng đó cũng là một bài toán lớn về bảo mật, hạ tầng kỹ thuật và niềm tin số. Bởi chỉ khi người dân cảm thấy an toàn, dễ tiếp cận và thấy rõ lợi ích, họ mới sẵn sàng chuyển từ hành vi “truyền thống” sang “số hóa”.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh: đây không chỉ là nỗ lực của riêng Bộ Công an, hay Trung tâm RAR, mà là công cuộc phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội – để từng giao dịch điện tử nhỏ bé đều được đảm bảo pháp lý, tiết kiệm thời gian và an toàn tuyệt đối.