Sau thời gian vận hành, công ty kết luận rằng việc triển khai công nghệ ở châu Á sẽ mang tính kinh tế và linh hoạt hơn. Adidas cho biết hoạt động sản xuất giày chạy bộ công nghệ cao tại các nhà máy của hãng ở Ansbach (Đức) và Atlanta (Mỹ) sẽ bị ngừng muộn nhất là vào tháng 4/2020.
Trước đây, Adidas từng ca ngợi khái niệm “speedfactory,” với việc sử dụng các quy trình tự động hóa cao để sản xuất giày nhanh hơn, tùy biến theo yêu cầu của khách hàng và gần hơn với các cửa hàng.
Ban đầu, các nhà máy công nghệ cao là một phần trong ý tưởng muốn đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm mới nhanh hơn cho các thị trường lớn, cũng như hạn chế tác động của chi phí vận chuyển cao và lương lao động tại châu Á ngày càng tăng. Thậm chí, Adidas còn lên kế hoạch xây dựng mạng lưới nhà máy robot toàn cầu.
Ông Martin Shankland, thành viên ban điều hành Adidas, nhận định động thái trên sẽ khiến hoạt động sản xuất giày trở nên linh hoạt và kinh tế hơn đồng thời mở rộng phạm vi cho các sản phẩm có sẵn.
Hai “speedfactory” chuẩn bị ngừng hoạt động chỉ sản xuất 1 triệu đôi giày trong tổng sản lượng khoảng 400 triệu đôi giày thể thao của Adidas.
Tương lai của 160 công nhân đang làm việc tại nhà máy Ansbach hiện vẫn chưa rõ ràng.
Công ty không nêu chi tiết lý do đóng cửa 2 nhà máy robot nhưng theo nhiều nhận định thì chúng vận hành tốn kém và khó khăn trong việc mở rộng công nghệ cho các dòng sản phẩm khác nhau.
Vài ngày trước, Giám đốc điều hành Adidas - ông Kasper Rorsted cho hay Adidas khác lạc quan về triển vọng kinh doanh trong cả năm nay với lợi nhuận dự kiến tăng mạnh trong quý 4/2019. Hiện thị trường Trung Quốc và Bắc Mỹ là động lực lớn nhất giúp thúc đẩy doanh số của Adidas, trong khi doanh thu tại thị trường châu Âu không ổn định, doanh thu trực tuyến quý vừa qua thì tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018.
Được thành lập bởi Adi Dassler vào năm 1949, Adidas đã chuyển phần lớn sản xuất từ châu Âu sang châu Á và hiện phụ thuộc vào hơn một triệu công nhân trong các nhà máy đối tác gia công, chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.
Hai nhà máy sau khi dừng hoạt động sẽ được chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác như đế giày Boost, đế giày bóng đá, đế in 3D tiên tiến, thông qua hợp tác với công ty Oechsler (Đức).