Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết ông sẽ “xem xét cẩn trọng” vấn đề trên và các khuyến nghị khác từ một báo cáo do chính phủ ủy quyền về việc liệu hệ thống thanh toán có bắt kịp với những tiến bộ trong công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
Các dịch vụ như Apple Pay, Google Pay của Mỹ và WeChat Pay của Trung Quốc, đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, song những hệ thống thanh toán này vẫn nằm ngoài hệ thống quản lý của cơ quan chức năng Australia.
Trong một bài báo đăng trên tờ Australian Financial Review, ông Frydenberg lưu ý nếu Australia không hành động để cải cách khuôn khổ thanh toán hiện tại, “Thung lũng Silicon” sẽ quyết định tương lai của hệ thống thanh toán nước này, vốn là một thành tố quan trọng trong cơ sở hạ tầng kinh tế của “xứ Chuột túi”.
Đầu tháng này, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã kêu gọi các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu khẩn trương nắm bắt ảnh hưởng ngày càng tăng của Big Tech và lượng dữ liệu khổng lồ do Google, Facebook, Amazon và Alibaba kiểm soát.
Trong khi đó, báo cáo của Australia khuyến nghị chính phủ được quyền chọn các công ty công nghệ đóng vai trò là nhà cung cấp hệ thống thanh toán và cũng cần làm rõ các quy định về ví điện tử.
Theo báo cáo trên, chính phủ và ngành công nghệ nên cùng nhau thiết lập một kế hoạch chiến lược cho hệ sinh thái thanh toán rộng lớn hơn đi kèm với một khuôn khổ cấp phép tích hợp và duy nhất cho các hệ thống thanh toán được phát triển.
Cơ sở hạ tầng thanh toán và khung pháp lý của Australia hiện chưa theo kịp sự chuyển đổi trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong nền kinh tế kỹ thuật số và thanh toán. Do đó, quy định mới này sẽ mở rộng quyền hạn cho Ngân hàng Dự trữ Australia quản lý các khoản thanh toán áp dụng cả với lĩnh vực công nghệ mới và mới nổi.
Báo cáo công bố hồi tháng 6 của Hiệp hội Ngân hàng Australia cho thấy, những năm gần đây chứng kiến sự thay đổi phi thường về ưu tiên thanh toán, với số lượng giao dịch ví điện tử ở nước này đã tăng lên thành 2,4 tỷ vào năm 2022, từ mức 29,2 triệu USD vào năm 2018.
Về phía Google và Apple bày tỏ sự không đồng tình với động thái của Chính phủ Australia khi xác định họ là nhà cung cấp thanh toán vì họ chỉ sản xuất điện thoại cho khách hàng còn thẻ là do ngân hàng phát hành cho mục đích thanh toán.
"Các quy định hiện hành của Australia không cho phép cơ quan quản lý áp đặt các quy định đối với các công ty công nghệ liên quan đến việc truy cập điện thoại thông minh và điều chỉnh giá", phát ngôn viên Apple nói thêm. Hãng này dẫn chứng dịch vụ ví điện tử Apple Wallet chỉ có mục đích mang tính cạnh tranh vì nó cho phép các ngân hàng nhỏ hơn và các công ty công nghệ tài chính (fintech) có nhiều quyền truy cập hơn cũng như có nhiều lựa chọn hơn về loại thẻ họ sử dụng.