Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về thực trạng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới". Tác động ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng nhân lực, tài chính trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực trạng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tại địa phương.
Đặc biệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là gói kích thích và phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng mà kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa thông qua. Trong đó có chính sách mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN…
Từ đó đưa ra các nhận định về tác động của các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế; chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên việc tiếp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.
Cùng đó, việc tác động và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để ban hành chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sự vận động của kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số rất nhanh và rất linh hoạt.
Từ đó, ông Nam mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại, tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, hỗ trợ kinh tế của Việt Nam so với mức chung của thế giới còn rất ít, trong đó đặc biệt là chính sách tài khóa còn ít hơn. Phần hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu hiện nay là chính sách tiền tệ. Điều này ghi nhận công lao của hệ thống ngân hàng, bao gồm NHNN và các NHTM.
"Chính sách phục hồi lần này của Chính phủ có đặc điểm khác với các nước, đó là "phục hồi và phát triển". Trong khi đó, đa phần các nước trên thế giới chỉ dừng lại ở "phục hồi". Việc đưa ra chính sách này bắt nguồn từ chỗ Việt Nam nhận thức đây là cơ hội để nền kinh tế thay đổi và phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam hướng đến tương lai theo nghĩa cải cách và đột phá. Doanh nghiệp cũng phải hiểu rằng, chúng ta đang đứng trước cơ hội thay đổi mình. Do đó việc tái cơ cấu doanh nghiệp là cơ hội và doanh nghiệp phải chủ động làm. Doanh nghiệp cần mượn sức để tái cơ cấu doanh nghiệp " - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách đặt vấn đề với Chính phủ mãi không thể là "xin - cho". Các hiệp hội doanh nghiệp cần đề xuất yêu cầu với Chính phủ như đối tác bình đẳng, từ đó chất lượng các đề xuất chính sách sẽ tốt hơn nhiều.
Đánh giá cao các tham luận, ý kiến góp ý từ các đại biểu, chuyên gia, đại điện doanh nghiệp, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cam kết sẽ cùng đồng hành, chia sẻ cũng như chuyển những ý kiến này tới cơ quan chức năng có thảm quyền để xem xét giải quyết với mục tiêu nhằm hỗ trợ, chia sẻ tối đa những khó khăn, cũng như sớm triển khai các giải pháp để doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.