Trong suốt những thập kỷ qua, khu vực ASEAN đã trở thành một trong những trung tâm gia công và sản xuất quan trọng nhất thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất phụ tùng ô tô, điện tử và tự động hóa. Những ngành công nghiệp này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia ASEAN mà còn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước
Đặc biệt, khi xu hướng toàn cầu hóa và sự chuyển mình nhanh chóng của công nghệ diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về gia công hiệu suất cao ngày càng trở nên cấp thiết. Các công ty và nhà sản xuất yêu cầu các giải pháp tối ưu hơn, tiết kiệm chi phí hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp gia công hiệu suất cao là một vấn đề chiến lược đối với các doanh nghiệp trong ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hội nghị tập trung vào những chủ đề nổi bật như:
- Gia công chính xác trong sản xuất linh kiện xe điện – Xu hướng và công nghệ mới nhất.
- Ứng dụng AI, IoT và Robot trong sản xuất – Nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa chi phí.
- Công nghệ và tự động hóa trong chuỗi cung ứng sản xuất điện tử tại Việt Nam – Hướng đến một nền sản xuất thông minh.
- Phát triển kinh doanh mới & mở rộng thị trường – Chiến lược gia nhập các thị trường mới nổi.
“Không thể phủ nhận Việt Nam là thị trường và trung tâm sản xuất đầy hứa hẹn nhất Đông Nam Á về lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, phụ tùng và linh kiện” theo chia sẻ từ bà Đỗ Thị Thúy Hương – UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương đã có bài tham luận tổng quan về Công nghệ và Tự động hóa trong Chuỗi cung ứng Sản xuất Điện tử của Việt Nam: Con đường nâng cao Năng lực cạnh tranh Toàn cầu, trong đó nêu bật vai trò của công nghệ và tự động hóa, các bước phát triển hiện nay và các thách thức mà chúng ta phải vượt qua và lộ trình phía trước.
Thời gian qua Việt Nam đã nổi lên như một nhân tố chủ chốt của ngành công nghiệp điện tử và chiếm một thị phần đáng kể, ngành điện tử Việt Nam đứng đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến chế tạo về giá trị xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng liên tục tăng đều trong các năm qua đặc biệt là năm 2024 đã quay trở lại với đà phục hồi tăng trưởng 14% cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của cả nước.

Vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ công nghiệp điện tử thế giới cho thấy Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu điện thoại di động và đứng thứ năm toàn cầu về xuất khẩu máy tính và linh kiện. Nếu tính Hồng Kông, Đài Loan thuộc Trung Quốc thì Việt Nam chỉ sau hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Công nghiệp điện tử toàn cầu đang ở trong một bước chuyển đổi rất là sâu sắc được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo AI, internet vạn vật, đổi mới sáng tạo và áp dụng những công nghệ này tại Việt Nam là lựa chọn chiến lược và bắt buộc khi chúng ta muốn được muốn có một vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu” – chia sẻ của bà Đỗ Thị Thúy Hương về vai trò của công nghệ và tự động hóa trong chuỗi cung ứng sản xuất của ngành điện tử.
Các công nghệ tự động hóa như robot trong dây chuyền lắp ráp và hệ thống kiểm tra chất lượng tự động đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành điện tử. Chúng không chỉ giúp giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng năng suất và giảm chi phí lao động. Ngoài ra, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích dữ liệu sản xuất giúp các công ty có thể dự đoán trước các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình sản xuất, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu kịp thời.

Tự động hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn giúp các doanh nghiệp điện tử tiếp cận với các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính chính xác từ các thị trường quốc tế. Thêm vào đó, việc gia tăng sử dụng các công nghệ mới cũng giúp giảm thiểu tác động môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường toàn cầu.
Sản xuất thông minh của Việt Nam có một tốc độ tăng tăng trưởng khá tốt mà quốc tế nhận định là có mức độ tăng trưởng khoảng 11,2 % ở giai đoạn năm 2024. Hiện giờ các doanh nghiệp nội địa Việt Nam thực sự đang đang trở nên vững mạnh hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối năm 2023, đại diện công ty điện tử Samsung đã báo cáo với chính phủ là họ đã có đến 340 doanh nghiệp địa phương là nhà cung cấp cho Samsung và trong đó có trên 50 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp một, chứng tỏ vai trò của ngành công nghiệp điện tử địa phương của Việt Nam tăng trưởng không ngừng.
Các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 10% vào hoạt động phát triển phần mềm toàn cầu của công ty, là ví dụ điển hình cho sự chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị cao hơn. Cơ sở trị giá 1,7 tỷ đô la của Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thúc đẩy những tiến bộ trong lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Trong khi đó, các công ty trong nước như Viettel High-Tech và FPT Semiconductor đang đầu tư vào R&D để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, báo hiệu bước chuyển dần hướng tới tự chủ. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đã đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Các công ty như Gongjin Electronics và DBG đang thành lập các nhà máy được trang bị máy móc tiên tiến, mang cả vốn và chuyên môn đến Việt Nam. Những diễn biến này phù hợp với mức tăng 54% của FDI vào tháng 10 năm 2023.

Bên cạnh những ưu thế sẽ là những thách thức mà doanh nghiệp Việt cần vượt qua. Thứ nhất là phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện và máy móc, sự phụ thuộc này làm tăng chi phí và chịu tác động của sự gián đoạn cung ứng nếu gặp phải rủi ro không lường trước như đại dịch.
Thứ hai là lực lượng lao động, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu cao trong môi trường tự động hóa.
Thứ ba hạn chế về vốn: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là xương sống của chuỗi cung ứng nội địa Việt Nam, thường thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào tự động hóa. Không giống như các tập đoàn đa quốc gia, các công ty này gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trong bối cảnh thâm dụng vốn, hạn chế khả năng hội nhập vào các phân khúc có giá trị cao.
Cuối cùng Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ, những nước cũng đang tranh giành thị phần sản xuất thiết bị điện tử. Để duy trì lợi thế của mình, Việt Nam phải đẩy nhanh bước nhảy vọt về công nghệ trong khi vẫn duy trì lợi thế về chi phí.
Để biến những thách thức thành cơ hội các doanh nghiệp Việt phải khuyến khích các công ty trong nước phát triển công nghệ độc quyền và giảm sự phụ thuộc vào đầu vào nước ngoài. Quan hệ đối tác công tư, giảm thuế cho hoạt động R&D và hợp tác với các trường đại học có thể thúc đẩy sự thay đổi này.
Các doanh nghiệp tham gia hội nghị sôi nổi thảo luận, đưa ra những câu hỏi dành cho các đại biểu
Đầu tư vào việc phát triển lực lượng lao động, các chương trình đào tạo toàn diện, hợp tác với các nhà lãnh đạo ngành, tập trung vào các kỹ năng tự động hóa, AI và IoT, tăng cường hệ sinh thái chuỗi cung ứng, kết hợp với sự hỗ trợ của chính phủ, có thể tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các nhà sản xuất linh kiện và tận dụng quan hệ đối tác quốc tế khi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA tạo ra nền tảng thu hút chuyển giao công nghệ và chuyên môn từ các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ Laser Han’s có nhiều kinh nghiệm về xử lý laser và tự động hóa, đối tác là những khách hàng lớn như BYD, Foxconn, Sumitomo, Misumi, TTI, Samsung, LG, v.v. Han's Laser có hơn 200 mẫu máy, bao gồm dòng máy khắc laser, dòng máy hàn laser, dòng máy cắt laser, dòng máy khắc bề mặt phụ, dòng máy hiển thị laser,...Tất cả các thiết bị này đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm khác nhau, đặc biệt cho ngành ô tô.
Đại diện của Công ty TNHH Tập đoàn công nghiệp công nghệ Laser Han's
Giải pháp 1C:ERP do công ty HAMI giới thiệu, dưới sự trình bày của bà Phạm Hoài Anh, là một hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) mạnh mẽ, được thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa quy trình sản xuất phụ tùng xe máy và ô tô. Hệ thống này giúp các doanh nghiệp trong ngành sản xuất quản lý và kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc nhập nguyên liệu, quản lý kho bãi, đến sản xuất và phân phối sản phẩm cuối cùng.
Bà Phạm Hoài Anh - Đại diện Hami chia sẻ về những thách thức của ngành công nghiệp trong quản lý và tối ưu hóa hoạt động
1C:ERP tích hợp các chức năng quan trọng như kế toán, quản lý sản xuất, quản lý tồn kho, bán hàng, và tài chính, giúp doanh nghiệp nắm bắt và phân tích dữ liệu một cách chính xác và kịp thời. Nhờ đó, công ty có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả công việc và cải thiện chất lượng sản phẩm. Hệ thống cũng hỗ trợ tính linh hoạt và khả năng mở rộng, giúp các công ty dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng. 1C:ERP thực sự là giải pháp chuyển đổi số đột phá, giúp các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp.
Các đại biểu sổi nổi thảo luận trong phần hỏi đáp giữa các chuyên gia và cử tọa.
Trong phiên hội thảo, ông Phạm Minh Thắng Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phân tích nhiều thông tin liên quan đến tích hợp tự động hóa trong gia công, chuyển đổi ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Việt Nam. Ông đã trực tiếp chia sẻ cách tiếp cận điển hình để cải thiện năng suất, phấn đấu đạt được tốc độ cao hơn theo thời gian, tính linh hoạt cao hơn, giảm chi phí sản xuất dựa vào nguyên tắc quản lý LEAN.
Ông Phạm Minh Thắng Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Sự kiện không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến mà còn kết nối các đại biểu, doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ đối tác.