Mới đây, bốn hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam gồm CGV, BHD, Galaxy và Lotte đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung mong muốn bãi bỏ quy định xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng với hoạt động chiếu phim sau 0h.
Kiến nghị được gửi đi trong bối cảnh nghị định 38/2021/NĐ-CP đang ở giai đoạn sửa đổi, bổ sung và dự kiến thông qua vào tháng 11/2022.
Các đơn vị này cho rằng, nhu cầu và tiềm năng phát triển các dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa ban đêm có sự đóng góp khá lớn của hệ thống các rạp chiếu phim, đặc biệt tại các thành viên lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch được du khách quan tâm nhất. Tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định, với 12 triệu lượt khách năm 2019, phát triển kinh tế đêm của tỉnh, đặt biệt tại TP. Hạ Long, sẽ là xu thế tất yếu. Phát triển kinh tế đêm cũng sẽ góp phần tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, các DN điện ảnh đang gặp khó khăn trong vận hành các suất chiếu phim muộn do quy định hiện hành còn chưa phù hợp với xu hướng và thực tế hiện nay. Cụ thể, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, quy định phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Quy định này đã và đang hạn chế cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp của một bộ phận khán giả nếu các bộ phim kéo dài quá 12h đêm, đồng thời không phù hợp với chủ trương phát triển và đa dạng các dịch vụ văn hóa giải trí lành mạnh khi thành phố lên đèn. Bởi lẽ rạp chiếu phim là loại hình kinh doanh đặc thù với những yêu cầu rất chặt chẽ về thiết kế, cách âm, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật. Các rạp chiếu phim hiện nay đa phần đều nằm trong các trung tâm thương mại, khu đô thị lớn - nơi tập trung đông cư dân với nhu cầu giải trí sau giờ làm, giờ học rất cao.
Những năm gần đây, xu hướng tìm đến rạp chiếu phim như một địa điểm văn hóa giải trí của các thành viên trong gia đình là rất lớn. Do đó, nếu được tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế ban đêm thông qua các suất chiếu phim muộn thì việc vận hành của hệ thống rạp chiếu hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn, trật tự đô thị, đảm bảo cách biệt và không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Nghị định 38 đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung, do vậy, các 4 hệ thống rạp đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ nội dung quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch, giải trí hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu chính cho ngành du lịch - văn hóa quốc gia. Tại Anh, ngành này mang lại doanh thu hàng năm khoảng 66 tỷ bảng Anh, trong đó các hoạt động văn hóa, giải trí chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan ước tính, việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết đã tiếp nhận kiến nghị từ các doanh nghiệp điện ảnh. Cục Điện ảnh đang nghiên cứu vấn đề này và có văn bản báo cáo lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Cục sẽ lưu ý vào vấn đề phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ, du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra chỉ đạo cuối cùng về việc có cho phép chiếu phim sau 0h ở những địa phương phát triển kinh tế ban đêm, chứ không phải phổ cập đồng loạt ở các tỉnh, thành phố", Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ với truyền thông.