Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước (tương ứng tăng 3,2 tỷ USD).
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 2,78 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% (tương ứng tăng 428 tỷ USD).
Luỹ kế từ đầu năm đến tháng 8/2022 tổng trị giá xuất nhập khẩu ước tính đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5%, tương ứng tăng 66,63 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 250,80 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 37,05 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 29,58 tỷ USD).
Như vậy, trong tháng 8 cả nước ước xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 1-30/8/2022 đạt 31.714 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/8/2022 đạt 294.367 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán được giao, bằng 79,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, hiện 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa; 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tháng 8 cũng đã bắt đầu rộ lên các vụ buôn lậu, nhập hàng lậu nhằm mục đích trốn thuế, trốn đóng góp nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra phức tạp trên cả tuyến hàng không và đường bộ.
Đối với tuyến đường bộ, lợi dụng việc đưa hàng hóa quá cảnh từ các khu vực cảng biển, sân bay gửi kho ngoại quan, sau đó làm thủ tục xuất đi Campuchia hoặc qua nước thứ 3, rồi dùng mọi thủ thuật quay vòng, cắt chì đánh tráo hàng để đưa hàng vào nội địa tiêu thụ. Các đối tượng thường lợi dụng việc miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại…
Đối với tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, các đối tượng thực hiện, chia nhỏ hàng hóa, gửi theo đường quà biếu, quà tặng gửi chuyển phát nhanh, khai báo trị giá hàng hóa thấp để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có trị giá cao vào thị trường Việt Nam.
Khi bị phát hiện thì các đối tượng từ chối nhận hàng, yêu cầu hoàn trả hàng cho người gửi, vì vậy gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Việc vận chuyển hàng cấm, hàng quản lý theo công ước quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn tiếp diễn.