Kịch bản này được xem là một sự thỏa hiệp, bởi nó cho thấy Binance có hành vi phạm tội hình sự, nhưng sẽ không tạo ra tác động tiêu cực tới thị trường.
DOJ đang xem xét khả năng cáo buộc sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance về các hoạt động gian lận. Tuy nhiên, các quan chức lại đang lo ngại việc truy tố Binance sẽ dẫn đến một tình huống tương tự như những gì đã xảy ra với FTX vào tháng 11 năm ngoái, khi tình trạng người dùng tháo chạy dẫn đến cú sập của sàn giao dịch này.
Do vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với người dùng, DOJ đang cân nhắc một lựa chọn an toàn hơn là phạt tiền, hoãn truy tố các thực thể liên quan đến Binance. Binance sẽ phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc của cơ quan điều tra nhưng được tạo điều kiện để giảm thiểu tác động đến người dùng.
DOJ thường cân nhắc về tác động đến người tiêu dùng, nhân viên của tổ chức và các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định có truy tố một tổ chức lớn hay không. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều người lo ngại về một vùng xám pháp lý trong hoạt động của các sàn giao dịch tiền số.
Để truy cập vào Binance, người dân Mỹ cần sử dụng VPN hoặc một số công cụ khác để "vượt rào", tức họ đang vi phạm lệnh cấm. Trong trường hợp DOJ truy tố Binance, người dùng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng nếu bỏ qua cáo buộc, sẽ có một tiền lệ được hình thành. Việc này có thể được xem là "cái gật đầu" của cơ quan chức năng khi nói về tính hợp pháp của tiền điện tử.
Mỹ đang tạo ra một môi trường pháp lý mơ hồ, thiếu ổn định cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền số. Nước này cũng đang thiếu nhất quán trong việc xác định tiền số nên được xếp vào loại tài sản nào, do bên nào quản lý. Trong khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) tìm nhiều cách bảo vệ quan điểm rằng hầu hết token, trừ Bitcoin, là "chứng khoán chưa đăng ký", Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) lại nói Bitcoin, Ethereum, BUSD, Litecoin cần được coi là hàng hóa. Việc thiếu đồng nhất là cơ hội để các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử như Binance, Coinbase thoát vòng vây pháp lý tại Mỹ.
Binance đang đối mặt với cuộc điều tra hình sự ở Mỹ vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của nước này đối với Nga.
Tháng 3/2023, Ủy ban Giao dịch Tài sản kỳ hạn Mỹ đã nhắm mục tiêu vào Binance và CEO Changpeng Zhao (CZ) vì cáo buộc vi phạm các quy định về giao dịch và phái sinh. Đến tháng 6/2023, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đệ đơn kiện Binance với cáo buộc sàn giao dịch tiền mã hóa này cung cấp “chứng khoán chưa đăng ký” và hoạt động bất hợp pháp.
SEC cũng cáo buộc Binance đã lừa dối khách hàng và nhà đầu tư bằng cách sử dụng một công ty tạo thị trường bí mật có tên Sigma Chain để thao túng các giao dịch trên nền tảng Binance của Mỹ.
Động thái mới nhất của các quan chức DOJ nêu bật tính chất phức tạp của hoạt động thực thi và quản lý tiền mã hóa tại Mỹ. Đây là quốc gia mà ở đó các sàn điện tử như FTX hay Binance hoạt động trong 'vùng xám' và người dùng không được hưởng sự bảo vệ nào của hệ thống ngân hàng truyền thống.
Việc không truy tố Binance, giả sử có đủ bằng chứng để buộc tội, có thể tạo ra nhiều hệ lụy xấu trong tương lai, bởi nó gửi đi thông điệp rằng, Mỹ đang “mềm mỏng” đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa.