Con số này được Wang Haifeng, Giám đốc công nghệ Baidu - hãng dịch vụ tìm kiếm Internet lớn nhất Trung Quốc, nhắc đến tại hội nghị về công nghệ học sâu (deep learning) ở Bắc Kinh ngày 28/12.
Chatbot Ernie bắt đầu triển khai bản thử nghiệm vào tháng 3 và chính thức mở rộng cho công chúng từ cuối tháng 8, sau khi được chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động.
Vào tháng 11, Baidu bắt đầu tính phí khoảng 8 USD/tháng đối với phiên bản Ernie bot cao cấp nhất. Trong khi đó, ứng dụng ChatGPT của OpenAI hiện áp mức phí lên tới 20 USD/tháng đối với phiên bản mới nhất.
Ernie bot có ngôn ngữ chính là tiếng Trung, ngoài ra còn có phiên bản tiếng Anh. Để đăng ký sử dụng ứng dụng này, người dùng phải có số điện thoại di động Trung Quốc.
Tốc độ gia tăng người sử dụng Ernie chậm hơn đối thủ ChatGPT. Đầu năm nay, AI của OpenAI chỉ cần hai tháng để đạt cột mốc tương tự. Tuy nhiên, thống kê của công ty phân tích Sensor Tower cho thấy sản phẩm của Baidu vẫn có thành tích tốt nếu so trong ngành công nghệ. Ví dụ, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu mới đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất 2,5 năm và ứng dụng Google Translate cần 6,5 năm.
Màn ra mắt hồi đầu năm của chatbot Ernie không quá ấn tượng, nhưng vẫn giúp Baidu giành được vị thế của một công ty đi đầu lĩnh vực, đặc biệt trong giai đoạn nhiều đối thủ tại Trung Quốc và quốc tế tìm cách phát triển thị trường riêng. Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc sau đó cũng tiến hành nhiều nâng cấp giúp Ernie có lợi thế trong cuộc đua AI.
Vào tháng 6, đại diện Baidu giới thiệu mô hình Ernie bot 3.5, khẳng định nó có khả năng suy luật gấp 17 lần bản 3.0 và đủ sức cạnh tranh với ChatGPT ở một số thử nghiệm. Cụ thể, trong bài kiểm tra AGIEval do Microsoft phát hành bằng tiếng Trung với hơn 13.000 câu trắc nghiệm thuộc 50 chủ đề khác nhau, Ernie 3.5 đạt 64,37 điểm, cao hơn ChatGPT 24 điểm. Khi chuyển sang chủ đề tiếng Anh, AI của Baidu được 50,59 điểm, kém 15 điểm so với ChatGPT.
"Bản nâng cấp giúp tăng tốc đáng kể những cải tiến tiếp theo của mô hình Ernie. Siêu AI sẽ giảm chi phí đào tạo nhưng vẫn có thể nâng cao trải nghiệm người dùng", ông Wang Haifeng nói.
Đến tháng 10, Baidu tiếp tục giới thiệu Ernie Bot 4, mô hình được cho là mạnh ngang GPT-4. Theo CEO Robin Li, sản phẩm thể hiện khả năng ấn tượng trong việc hiểu, trả lời câu hỏi phức tạp trong nhiều lĩnh vực, gồm cả toán học và tạo ảnh. Dù vậy, ông đánh giá việc chạy đua AI đang gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thay vì những mô hình ngôn ngữ lớn, thứ người dùng thực sự quan tâm là các ứng dụng AI hữu ích.
Tháng 11 vừa qua, ChatGPT thông báo cán mốc 100 triệu người dùng hoạt động hằng tuần. Chatbot này dù không có sẵn ở Trung Quốc nhưng vẫn có phiên bản tiếng Trung. Trong khi đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, ra mắt chatbot có tên gọi Doubao. Chatbot này đứng thứ hai trong danh mục năng suất sử dụng miễn phí tại các cửa hàng ứng dụng của Apple ở Trung Quốc tính đến sáng 29/12. Nhà cung cấp trò chơi điện tử lớn nhất thế giới Tencent và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng đã tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm AI dành cho các đối tác kinh doanh, nhưng cả hai đều cung cấp chatbot cho công chúng ở Trung Quốc.