Tại Việt Nam, đầu tháng 1/2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/4, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng cho biết: năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử. Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó đưa ra 6 giải pháp phát triển kinh tế số. Tiếp đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với rất nhiều những mục tiêu được đặt ra.
Các chuyên gia cho rằng, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh tế số còn mở ra những cơ hội cho DN trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu đưa ra những số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuyển đổi số đã tăng lên đáng kể trong thời gian Covid-19 vừa qua. Ông Thành cho biết, thống kê với 152.000 DN thì trên 30% DN Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.
“Chưa khi nào Việt Nam có khát vọng phát triển gắn với CMCN 4.0 và chuyển đổi số như hiện nay. Đặc biệt, không chỉ Chính phủ mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng dần thay đổi cách nhìn nhận về chuyển đổi số”, ông Thành nói.
Rõ ràng, CĐS không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng phát triển TMĐT, mang đến cơ hội cho DN Việt Nam gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong CĐS lại không phải vấn đề công nghệ mà phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia. Ngoài ra, những rào cản khác về chi phí và công nghệ đã được TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề cập.
“Chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu hạ tầng công nghệ số, rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng; các quy định, quy tắc không phù hợp với số hóa...”, ông Huân nói.
Việc minh bạch hóa thị trường thương mại điện tử trong những năm tới thực sự cần thiết cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều điểm cần sửa, đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới”.
“Bộ Công thương đang tích cực tham vấn hoàn thiện khung pháp lý phát triển kinh tế số và thương mại điện tử ở Việt Nam. Những website không có giỏ hàng, hoặc mang tính chất giới thiệu thông tin sản phẩm không cần làm các thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quản lý thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; hợp đồng điện tử”, ông Lê Đức Anh cho biết.