Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, nhằm mở rộng diện bao phủ BHYT, cơ quan này đã góp ý sửa đổi luật BHYT theo hướng nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50% cho một số đối tượng.
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT hàng tháng với các nhóm trên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể mỗi người đóng 67.050 đồng mỗi tháng và 804.600 đồng mỗi năm. Song ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% với các nhóm này, số tiền thực tế phải đóng còn 46.935 đồng mỗi tháng và 563.220 đồng mỗi năm.
Nếu được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, số tiền thực đóng giảm còn một nửa. "Việc hỗ trợ đóng cho các nhóm này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính, nâng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT, nhất là khi chi phí sinh hoạt tăng", ông Túy nói.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, mức sống trung bình của hộ gia đình tại vùng nông thôn là có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng 1,5-2,25 triệu đồng, tại thành thị 2-3 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT với đồng bào thiểu số, người dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Theo quy định, nhóm này được nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT.
Một số nhóm lao động được đề nghị bổ sung đóng BHYT bắt buộc gồm: Quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhà nước cần có quy định tham gia BHYT với nhóm lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; trẻ dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó về nước sống; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập... trên lãnh thổ Việt Nam.