Chương trình là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin & Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức; dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự ủng hộ và bảo trợ của Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước cùng sự phối hợp của 11 hiệp hội ngành nghề.
Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 14-15/12/2020 với sự tham gia của trên 2.000 đại biểu trực tiếp và trên 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến trên website chương trình tại http://dxdat.vinasa.org.vn, kênh youtube và facebook của VINASA. Riêng phiên khai mạc chiều 14/12 có sự tham dự của trên 700 đại biểu cấp cao từ Đảng, Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ; các cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 35 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 21 quốc gia tại Việt Nam, 17 tổ chức quốc tế và các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học…
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người.
Ông Nguyễn Huy Dũng cũng kêu gọi, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Cũng trong phiên khai mạc, nhiều thông tin chia sẻ rất hữu ích cũng được chia sẻ như: định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0; chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; chính sách phát triển kinh tế số với 2 chương trình lập quỹ thúc đẩy tiến trình số hoá quốc gia và các dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ của Malaysia; chương trình 5G của Newzeland để thúc đẩy kinh tế số.
Tại Diễn đàn GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ nghiên cứu "Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số". Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi Đại dịch hoành hành. Trên 1,2 tỷ học sinh phải học trực tuyến, 30% người bệnh khám bệnh từ xa. Theo một báo cáo mới nhất Tata Consultancy khảo sát trên 300 tập đoàn toàn cầu, dự kiến đến năm 2025, 40% nhân sự sẽ thực hiện chế độ làm việc từ xa. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia khống chế rất tốt sự lây lan của đại dịch, nền kinh tế dự báo tăng trưởng dương cao nhất khu vực và châu lục, là điểm sáng hiếm hoi của thế giới. Việt Nam đang có một vị thế lớn, quan trọng trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn vàng, là thời cơ vàng để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao và duy trì vị thế quan trọng này.