Việc ô tô cũ bị tua công-tơ-mét trước khi đến tay khách hàng không phải hiếm gặp tại Việt Nam, thậm chí diễn ra rất phổ biến.
Trong thị trường xe ôtô cũ, việc xe đi ít hay nhiều là yếu tố tác động không nhỏ đến giá bán, điều này có liên quan đến độ hao mòn của chiếc xe.
Trước nhu cầu khá lớn trong thị trường xe ôtô cũ, thực tế cho thấy một số garage đã sử dụng chiêu thức tua công-tơ-mét, nghĩa là làm con số hiển thị ít hơn số km thực mà xe đã lăn bánh, làm thiệt hại cho người mua.
Tua ngược công tơ mét khi bán ô tô cũ là hành vi có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Một thống kê do Carfax tổng hợp cho thấy trong năm 2022 đã có hơn 1,9 triệu ôtô ở Mỹ bị tua ngược đồng hồ công tơ mét. Đáng chú ý, số liệu này đã tăng đến 7% so với những gì được ghi nhận hồi năm 2021, bất chấp việc đồng hồ đo quãng đường dạng kỹ thuật số đã trở nên khá phổ biến trên các phương tiện ở Mỹ.
Theo thống kê, người tiêu dùng thường chịu khoản lỗ trung bình 4.000 USD (tương đương 95 triệu VNĐ) khi mua phải một chiếc xe bị tua công tơ mét. Chi phí sửa chữa hay bảo trì vượt quá dự kiến cũng khiến người mua cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong trường hợp các hạng mục bảo dưỡng lớn đến sớm hơn so với quãng đường ghi nhận trên công tơ mét của xe.
Theo Văn phòng điều tra gian lận công-tơ-mét thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), đây là một tội hình sự nghiêm trọng. Trong nghiên cứu về tình trạng này của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) năm 2002, khoảng 450.000 xe được xác định bán ra mỗi năm với số công-tơ-mét đã bị thay đổi, gây tổn thất hơn một tỷ USD mỗi năm đối với khách hàng mua xe ở Mỹ.
Ở Mỹ, tua công-tơ-mét có thể bị phạt dân sự hoặc phạm tội hình sự. Đạo luật Liên bang số 49 (được thông qua năm 1972) yêu cầu người bán phải tiết lộ số km thực tế đã đi khi chuyển giao quyền sở hữu xe. Nếu không biết số km thực tế, người bán cũng cần cho người mua biết rõ.
Còn tại Anh, Văn phòng Thương mại Công bằng ước tính chi phí hàng năm cho những thất thoát liên quan đến hành vi này là 650 triệu USD.
"Chúng ta cần tìm công lý cho những ai đã phải trả 45.000 USD cho một chiếc xe chỉ đáng 10.000 hay 15.000 USD", Jason Shrader, cảnh sát hỗ trợ tư pháp ở North Carolina, Mỹ. Tính trung bình, một khách hàng mất cho người bán khoảng 4.000 USD cho mỗi xe nếu odo bị tua.
Đạo luật cũng nghiêm cấm hành vi quảng cáo, rao bán, lắp đặt, hoặc sử dụng thiết bị để vặn lùi công-tơ-mét. Cá nhân vi phạm sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn. Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 500.000 USD. Giám đốc hoặc nhân viên của công ty nếu cố ý vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt như với cá nhân.
Ở châu Âu, các mức phạt với hành vi này cũng rất nặng. Ví dụ ở Pháp, người vi phạm đối mặt 2 năm tù. Ở Anh, tháng 6 vừa qua, chủ một đại lý xe cũ chịu 2 năm tù treo sau khi tua ngược công-tơ-mét của 46 ôtô trong nhiều năm qua.
Tại Australia, năm 2013, một người đàn ông bị phạt tù 8 tháng và khoản tiền 35.800 USD vì tua công-tơ-mét của 4 xe cũ. Theo đó, người này đã bán 4 xe cũ với tổng số tiền 91.200 USD và thu lời 27.800 USD.
Tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này, mà chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lừa dối Khách hàng, theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng từ thông qua việc gian lận hang hóa để lừa dối khách hàng.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp hành vi lừa dối khách hàng là hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.