Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ đơn kiện Google thuộc tập đoàn Alphabet với cáo buộc rằng Google đã duy trì trái phép sự thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bằng cách ký kết hợp đồng độc quyền với các nhà sản xuất thiết bị, nhà khai thác di động và các công ty khác khiến các đối thủ không có cơ hội cạnh tranh.
"Vô số nhà quảng cáo phải trả phí cho Google để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Người tiêu dùng Mỹ buộc phải chấp nhận các chính sách về quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google và các công ty có mô hình kinh doanh sáng tạo không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Google", đơn kiện nhằm vào Google nêu rõ.
Các quan chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quy mô và sức mạnh kiểm soát của Google đối với thị trường tìm kiếm và gọi đây là một hành vi độc quyền.
"Hành vi của Google là bất hợp pháp theo các nguyên tắc chống độc quyền truyền thống và phải bị ngăn lại. Google sở hữu hoặc kiểm soát các kênh phân phối tìm kiếm chiếm khoảng 80% các truy vấn tìm kiếm nói chung tại Mỹ. Chúng tôi yêu cầu toà án phải phá bỏ sự kìm kẹp của Google đối với việc phân phối kết quả tìm kiếm để sự cạnh tranh và đổi mới được duy trì", ông Ryan Shores, cố vấn cao cấp về công nghệ của DOJ cho biết.
Google giữ quan điểm rằng công ty cạnh tranh phù hợp quy định và người tiêu dùng thích dùng công cụ Google hơn bởi vì đó là công cụ tốt nhất chứ không phải do Google có hành vi hạn chế cạnh tranh phi pháp. Mảng tìm kiếm chiếm hơn một nửa trong doanh thu 283 tỷ USD và lợi nhuận ròng 76 tỷ USD mà Alphabet - công ty mẹ của Google - đạt được trong năm 2022. Tìm kiếm cũng là mảng chiếm vai trò chủ lực đưa giá trị vốn hoá thị trường của Alphabet lên mức hơn 1,7 nghìn tỷ USD.
Giờ đây, Google sẽ phải “tự vệ” trong một cuộc xét xử có thể kéo dài và có khả năng gây đảo lộn phương thức mà Google phân phối công cụ tìm kiếm đến người dùng. Cuộc xét xử sẽ có sự xuất hiện của nhiều nhân chứng quan trọng, gồm các cựu nhân viên của Google và Samsung, cùng các nhà điều hành từ Apple bao gồm Phó chủ tịch cấp cao Eddy Cue. Đây sẽ là vụ kiện đầu tiên được xét xử trong một loạt vụ kiện nhằm vào sức mạnh kinh tế to lớn của Google, là một “phép thử” đối với mức độ sẵn sàng của toà án Mỹ trong việc siết chặt giám sát đối với các nền tảng công nghệ quy mô lớn.
“Đây là một vụ xét xử lạc hậu diễn ra vào một thời điểm của sự sáng tạo chưa từng có tiền lệ, bao gồm những bước đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng mới và các dịch vụ mới, tất cả đều tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn và nhiều lựa chọn cho con người hơn bao giờ hết. Mọi người không dùng Google vì họ phải dùng, mà bởi họ muốn dùng. Thật dễ để thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định của bạn, vì chúng ta đã qua thời mạng dial-up và ổ đĩa CD-ROM từ lâu rồi”, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, ông Kent Walker nói.
Vụ kiện được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm, trải qua quá trình xét xử, kháng cáo… mới có thể đi đến kết luận cuối cùng và đưa ra mức phạt đối với Google, trong thời gian đó, hầu như không có sự ảnh hưởng nào với quá trình hoạt động của Google cũng như cách người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm này.
Phiên tòa sẽ do Thẩm phán Amit P Mehta chủ trì và quyết định, phán quyết của ông sẽ được đưa ra nhiều tháng sau khoảng ba tháng điều trần. Các chuyên gia cho rằng, rủi ro đối với Google là rất lớn nếu ông Mehta ủng hộ bất kỳ hoặc tất cả các lập luận của Chính phủ Mỹ.
Chuyên gia John Lopatka từ trường Luật bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết: "Kết quả của vụ việc này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cách các công nghệ và nền tảng hoạt động trong tương lai".
Trước đó, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google, Meta và Amazon đã chi 95 triệu USD cho cuộc vận động hành lang kể từ năm 2021, để chống lại Đạo luật trực tuyến về lựa chọn và đổi mới (AICO) đang được Quốc hội Mỹ đề xuất. Bởi nếu đạo luật này được thông qua có thể giúp chính quyền Mỹ kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các công ty công nghệ lớn.