Được thành lập năm 2015 tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, XPeng là một trong hàng chục công ty khởi nghiệp của Trung Quốc nổi lên trong những năm gần đây để tận dụng sự phát triển mạnh của xe điện tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
Trong hồ sơ gửi tới Sàn giao dịch chứng khoán Hongkong (Trung Quốc), XPeng cho hay đã đạt được thỏa thuận với Didi để mua chi nhánh sản xuất EV của hãng này.
Theo thỏa thuận này, Didi sẽ nhận được được khoảng 3,25% cổ phần của Xpeng. Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang phát hành cổ phiếu với giá 64,03 đô la Hong Kong/cổ phiếu, trị giá tổng cộng 474 triệu USD. Giá chào bán cho thấy mức giảm 1,7% so với giá đóng cửa ngày 26/8. Nếu mục tiêu cung cấp xe điện hoàn thành theo thỏa thuận, cổ phần của Didi sẽ được tăng lên đến 5,26% với giá trị thương vụ đạt tới 744 triệu USD.
Thỏa thuận sát nhập bằng cổ phiếu với Didi đặt mục tiêu, Xpeng sẽ ra mắt mẫu xe hạng A vào năm 2024 với thương hiệu mới trong khuôn khổ dự án có tên gọi là MONA, có giá khoảng 150.000 nhân dân tệ (20.000 USD). Những sản phẩm xe điện hiện nay của Xpeng hầu hết đều có giá trên 200.000 nhân dân tệ (trên 27.000 USD).
Giám đốc điều hành Xpeng He Xiaopeng trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc cho biết: "Là một công ty khởi nghiệp xe điện, chúng tôi không có trình độ và kinh nghiệm của những nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen về quy mô sản xuất và quản lý chi phí trong phân khúc xe điện có giá đến 150.000 nhân dân tệ (20.000USSD), hợp tác với Didi sẽ đảm bảo quy mô ban đầu tốt hơn cho xe điện mới và có được doanh thu. Thỏa thuận mua lại là sự kết hợp giữa các mục tiêu đổi mới phương thức kinh doanh và quản lý chuỗi cung ứng”.
Ông nói thêm, mẫu xe điện mới cũng sẽ được bán cho khách hàng tiêu dùng, kết hợp với Didi, ông dự kiến sẽ đạt doanh số ít nhất khoảng 100.000 xe MONA mỗi năm.
Trước đó, quyết định của Didi về chương trình phát triển một xe điện khiến truyền thông Trung Quốc dấy lên những đồn đoán, tập đoàn Công nghệ Didi Chuxing có tham vọng chuyển sang tự sản xuất xe điện cho dịch vụ thuê xe.
Các thị trường ô tô điện đã hoan nghênh thỏa thuận trên. Cổ phiếu của XPeng đã tăng gần 13% vào sáng cùng ngày.
Nhu cầu xe điện suy giảm và năng lực sản xuất dư thừa trong ngành sản xuất ô tô Trung Quốc khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, những công ty mới như chi nhánh sản xuất xe điện của Didi gặp khó khăn trong quá trình thâm nhập thị trường. Truyền thông Trung Quốc cho biết, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi chỉ mới giành được sự chấp thuận cho phép sản xuất xe điện theo quy định pháp lý, 2 năm sau khi công ty công bố kế hoạch sản xuất xe điện.
Theo số liệu được công bố trong tháng 8 này, trong nửa đầu năm nay, XPeng chỉ bán được 41.435 xe điện, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đặt mục tiêu phần lớn doanh số bán ô tô sẽ là xe điện và xe hybrid (chạy cả bằng xăng và điện) vào năm 2035.
Trong những năm gần đây, các khoản trợ cấp lớn mua ô tô điện đã thúc đẩy sự phát triển loại xe này tại Trung Quốc, đứng đầu là các hãng BYD, Nio, XPeng và các công ty khác.
Tập đoàn dịch vụ gọi xe công nghệ Didi cho biết, hai công ty sẽ cùng xem xét khả năng hợp tác chiến lược trong một số lĩnh vực như dịch vụ tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ tài chính và bảo hiểm.
Những lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác được đề cập đến bao gồm công nghệ sạc xe điện, robotaxi và phát triển thị trường quốc tế. Didi hiện đang hợp tác chặt chẽ với các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc phát triển robotaxi, đặt mục tiêu thương mại hóa loại phương tiện tự hành này vào năm 2025.