Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến giữa tháng 4/2022 đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Thậm chí một số ca nặng trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan phải thở máy, phải lọc máu, nhất là ở trẻ em… Đặc biệt, tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng cao hơn Covid-19 và thời gian từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh.
Dịch sốt xuất huyết được dự báo sẽ diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh khi cả số mắc và số ca nặng cao hơn các năm gần đây. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố, dịch sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng lan rộng như: Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, An Giang, Quảng Bình... nhất là tại Bình Dương đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Bộ Y tế cảnh báo, khi dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế, dịch sốt xuất huyết đã có nguy cơ bùng phát, lan rộng tại nhiều tỉnh thành dễ gây ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, các chuyên gia cảnh báo, cơ quan y tế và người dân phải nâng cao ý thức phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Đáng chú ý, sốt xuất huyết và Covid-19 rất dễ gây nhầm lẫn khi đều có các biểu hiện ban đầu như: Sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt, các triệu chứng của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, vì vậy nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo đó, ngành y tế các địa phương cần triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi cho 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Đồng thời, xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Đến nay sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; do đó biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình hàng ngày, hàng tuần dành thời gian để vệ sinh môi trường, nơi ở. Cụ thể, trong các gia đình cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa trong nhà; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá....
Để phòng muỗi đốt, người dân cần ngủ màn, có thể mặc quần áo dài ngay cả ban ngày. Đồng thời, người dân tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch để diệt muỗi. Đặc biệt, khi bị sốt, bệnh nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; tránh các biến chứng nặng.