Được sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”.
Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc: “Những năm vừa qua thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn bộc lộ không ít bất cập. Nguyên nhân gây ra sự phát triển không đồng đều, dư thừa lao động tay nghề thấp, thiếu lao động tay nghề cao bắt nguồn từ nhiều khía cạnh, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống giáo dục đào tạo lạc hậu chưa sát với thực tiễn đòi hỏi của nhu cầu thị trường”.
Báo cáo của CIEM cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn vẫn chiếm đa số.
“Sự thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành đã làm hạn chế chất lượng lao động”, ông Kim Chung nhấn mạnh: “Danh tiếng như Đại học Bách Khoa của Việt Nam đa phần cũng chỉ liên kết với các doanh nghiệp về giới thiệu việc làm, rất ít liên kết về giảng dạy và thực hành”.
Theo nghiên cứu của CIEM, thực tế hiện nay, đa phần các giáo trình giảng dạy trong Đại học Bách khoa vẫn nặng về lý thuyết theo cách đào tạo ở Liên Xô cũ, chưa thực sự bắt kịp với xu hướng công nghệ hiện đại và nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp.
“Xếp hạng chỉ số gắn kết doanh nghiệp và đào tạo các nước trong khu vực, chúng ta thua sút cả Thái Lan. Họ xếp thứ 40 còn chúng ta là 80”, Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM nói: “so với Singapore và Hàn Quốc thì còn quá xa vời”.
Trước đó, vấn đề giáo dục đào tạo cũng được nhắn đến tại Hội thảo về Diễn đàn phát triển năng lượng sạch ngày 20/4 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết, ngoài việc thiếu các chính sách phù hợp, thị trường lao động Việt Nam còn thiếu nhân lực trong lĩnh vực năng lượng sạch “bởi chúng ta chưa có hệ thống giáo dục đào tạo đủ tiêu chuẩn đảm đương việc này”.
Theo báo cáo của CIEM, chính sự chậm cải tiến trong giáo dục đào tạo, gây thiếu hụt lao động tay nghề cao làm cho sự chuyển dịch lao động từ ngành có năng suất thấp, thu nhập thấp sang ngành có năng suất cao, thu nhập cao chưa nhanh như mong đợi.
Ngoài ra, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tiễn mới: lực lượng lao động ngày một già hóa, số lượng lao động cao tuổi tăng mạnh trong khi lao động trẻ giảm và không đủ thay thế.
Để giải quyết bài toán nhân lực, CIEM đưa ra tham khảo về mô xây dựng, điều chỉnh chính sách việc làm của Hàn Quốc và Nhật Bản:
“Hàn Quốc hỗ trợ các thành phần yếu nhất trong xã hội, gồm: những người trẻ, phụ nữ, những người về hưu, người già tham gia vào các hoạt động kinh tế và có thu nhập ổn định”, đại diện CIEM nói: “Họ tổ chức thiết kế chính sách theo từng giai đoạn, tăng nhu cầu lao động có tay nghề cao, buộc các DN thực hiện nghĩa vụ đào tạo nghề trong hầu hết các công ty, tập đoàn lớn. Các lãnh đạo cấp cao tăng cường thị sát, giám sát công tác dạy nghề toàn diện. Tận dụng lao động nhàn rỗi, chú trọng đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp”.
Cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Việc cải tiến các chính sách đào tạo như: thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động; khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, DN, các hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết kế các chương trình đào tạo (nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra), tham gia đào tạo; quy định yêu cầu các cơ sở GDĐT phải nâng cao thời lượng và chất lượng thực hành; khu vực doanh nghiệp phải thực hiện đào tạo và đào tạo lại lao động... sẽ là chìa khóa chính cho cải thiện trình độ lao động tại Việt Nam hiện nay, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại của các nước có thu nhập trung bình cao.