Công cụ này có tên nội bộ là Genesis, có khả năng viết tin tức dựa trên thông tin đầu vào của người dùng. Thông tin viết ra rất chi tiết, đáp ứng các câu hỏi như ai, cái gì, ở đâu hoặc khi nào.
Trong một email hôm 20/7, Google thừa nhận công ty đang khám phá cách trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các tổ chức xuất bản tin tức, nhưng không đưa ra chi tiết về các công cụ đang thử nghiệm.
Người phát ngôn của Google khẳng định Genesis "không có ý định thay thế vai trò thiết yếu của các nhà báo trong việc đưa tin, viết và kiểm tra tính xác thực trong các bài báo". Thay vào đó Genesis sẽ đưa ra các tùy chọn cho tiêu đề và các phong cách viết khác nhau.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu trong việc khám phá các ứng dụng của công cụ AI nhằm hỗ trợ các nhà báo thực hiện công việc của họ", người phát ngôn của Google cho biết, đồng thời nói thêm rằng "những công cụ này không nhằm mục đích và không thể thay thế vai trò thiết yếu của các nhà báo trong việc đưa tin và kiểm tra tính xác thực của bài báo".
Một nguồn tin cho biết Google thực sự coi Genesis giống như "trợ lý cá nhân cho các nhà báo". Genesis sẽ tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, để người viết có thể tập trung vào các tác vụ khó hơn, như phỏng vấn nhân vật hoặc đưa tin tại hiện trường.
Việc Google đang phát triển công cụ "ChatGPT dành cho báo chí" làm dấy lên lo ngại rằng công cụ này có thể góp phần tạo ra tin tức giả.
Thông tin sai lệch là một vấn đề nan giải của ngành báo chí hiện nay và một trong những trách nhiệm chính của các nhà báo là kiểm tra thực tế để đảm bảo nguồn tin không bị sai lệch, ảnh hưởng đến người đọc cũng như gây tác động xấu đến xã hội. Mặc dù AI đang phát triển nhanh chóng, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng đôi khi nó có thể tạo ra thông tin không chính xác hoặc không liên quan.
Chatbot AI tên Bard của Google trước đó đã gây hoang mang khi không chỉ tạo ra nhiều thông tin sai lệch đầy phức tạp, mà còn xem chúng là sự thật.
Giám đốc điều hành Sundar Pichai thừa nhận rằng những sai lệch trong thông tin như vậy là điều thông thường trong các mô hình ngôn ngữ lớn của AI, nhưng không ai biết nguyên nhân gây ra chúng hoặc làm thế nào để giữ cho AI trung thực.
Một số hãng truyền thông lớn đã thử sử dụng AI để viết tin, nhưng kết quả không mấy khả quan. Đầu năm nay, CNET bị phát hiện biến các bài báo do AI viết thành bài của phóng viên và sử dụng AI để viết lại các bài báo cũ nhằm tăng thứ hạng tìm kiếm trên Google.
Bất chấp còn nhiều bất cập, OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, đã ký thỏa thuận với các hãng tin lớn như AP của Mỹ để khuyến khích áp dụng công cụ AI trong tòa soạn.
Trước đó, Google đã ra mắt các công cụ và tính năng AI tổng quát mới, bao gồm tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm, cũng như Bard - một chatbot AI tương tự ChatGPT của OpenAI. Bên cạnh đó, Google cũng đã bắt đầu thêm công cụ AI vào Gmail, Docs và các công cụ Workspace khác.