Cụ thể, mâu thuẫn về thuế xuất phát từ năm 2015 khi cơ quan hải quan Thái Lan tố cáo công ty Toyota Motor Corp (Toyota) tại Thái Lan báo cáo sai lệch về xe Prius được lắp ráp tại Thái Lan từ năm 2010-2012.
Theo cơ quan này, Prius là xe nhập khẩu nguyên chiếc nhưng Toyota khẳng định đây là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (CKD).
Nếu là xe CKD, Prius sẽ được giảm thuế theo thỏa thuận thương mại tự do Thái Lan - Nhật Bản; còn nếu được xác định là phương tiện nhập khẩu nguyên chiếc sẽ bị tính thuế cao hơn.
Năm 2015, Tòa sơ thẩm ra phán quyết khẳng định hải quan Thái Lan đúng và Toyota phải đóng bổ sung tiền thuế trong vòng 2 năm cho Chính phủ Thái Lan.
Sau đó, vào năm 2019, Toyota đã gửi Đơn kháng cáo sự việc trên lên Tòa án Tối cao Thái Lan.
Ngày 15/9 vừa qua, Tòa án Tối cao Thái Lan đã tuyên bố giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp thấp hơn về việc các mặt hàng nhập khẩu đó nên được quy thành cụm và đánh thuế 80% thay vì những bộ phận riêng lẻ được giảm còn 30% thuế theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Thái Lan - Nhật Bản (JTEPA).
Do đó, Toyota Thái Lan hiện vẫn còn nợ chính phủ nước này 10 tỷ baht (khoàng 272 triệu USD) tiền thuế bổ sung do nhập khẩu các linh kiện không được miễn giảm thuế.
Trong một tuyên bố, công ty Toyota tại Thái Lan (TMT) cho biết họ chi trả mức thuế cho các chi tiết nhập khẩu của xe Prius dựa trên JTEPA, nhưng họ tôn trọng phán quyết trên và sẽ tuân thủ.
Trước đó, vào tháng 11/2010, Toyota đã chọn nhà máy Gateway ở Thái Lan để lắp ráp mẫu xe Prius sử dụng động cơ hybrid sau khi bắt đầu sản xuất mẫu xe này tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Từ năm 2010 đến năm 2014, khoảng 18.000 chiếc Priuses đã được bán tại Thái Lan. Tuy nhiên, đến tháng 8/2015, Toyota đã đình chỉ sản xuất Prius tại nhà máy Gateway. Toyota cũng sản xuất xe Camry động cơ xăng và động cơ hybrid tại Thái Lan nhưng không bị áp thêm thuế do phần lớn các bộ phận được mua ở nước sở tại.