Khi lừa đảo số ngày càng tinh vi, nhắm trực tiếp vào sự cả tin và thói quen sử dụng thiết bị của người dùng, Google đã đưa ra một loạt cải tiến quan trọng cho hệ điều hành Android, với mục tiêu biến thiết bị di động thành “chiến hào đầu tiên” trong cuộc chiến bảo vệ quyền riêng tư.
Trong sự kiện The Android Show: I/O Edition diễn ra ngày 14/5, ngay trước thềm Google I/O 2025, gã khổng lồ công nghệ công bố các biện pháp tăng cường bảo vệ người dùng Android trước nguy cơ lừa đảo đang gia tăng. Đáng chú ý, những biện pháp này không chỉ là vá lỗi hay phản ứng bị động, mà thể hiện một chiến lược chủ động, có chiều sâu – dựa trên phân tích hành vi tội phạm mạng và cơ chế phòng ngừa thông minh.
Theo Dave Kleidermacher – Phó chủ tịch phụ trách bảo mật Android – lừa đảo qua điện thoại thường bắt đầu bằng việc đánh lừa người dùng thực hiện những hành động tưởng như vô hại: tắt tính năng bảo vệ hệ thống, cấp quyền truy cập không cần thiết, hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Chính những điểm “mở” này lại trở thành cửa ngõ cho tin tặc đột nhập.
Để ngăn chặn từ gốc, Android sẽ chặn các hành động rủi ro ngay trong cuộc gọi, như vô hiệu hóa Google Play Protect hay chia sẻ màn hình với số nghi vấn. Đây là một bước tiến đáng kể so với các biện pháp truyền thống vốn chỉ can thiệp sau khi thiệt hại đã xảy ra. Việc Android chủ động giám sát theo ngữ cảnh – như phát hiện khi người dùng chia sẻ màn hình app ngân hàng cho một số lạ – cho thấy sự hiểu rõ hành vi của kẻ gian, đồng thời là dấu hiệu cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã thấm sâu vào lõi bảo mật hệ điều hành.
Các công cụ như Google Messages và Phone by Google giờ đây sẽ sử dụng AI để phát hiện các mẫu trò chuyện lừa đảo trong thời gian thực. Đây là bước tiến của bảo mật thông minh, không chỉ dựa vào danh sách đen số điện thoại hay ứng dụng độc hại, mà còn phân tích nội dung, bối cảnh và hành vi – điều mà công nghệ truyền thống không làm được.
Google cũng tăng cường Play Protect với khả năng phân tích mã nhị phân và phát hiện phần mềm ngụy trang – những ứng dụng độc hại giả mạo biểu tượng, tên gọi để đánh lừa người dùng. Thậm chí, trước cả khi người dùng cài đặt, Play Protect đã có thể đưa ra cảnh báo nếu nhận thấy điểm đáng ngờ.
Điểm đáng chú ý trong những cập nhật lần này không nằm ở tính năng đơn lẻ, mà là sự dịch chuyển trong tư duy bảo mật của Google – từ phòng thủ thụ động sang mô hình phòng vệ chủ động, dự đoán và ngăn chặn. Đây là phản ứng kịp thời trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng dựa vào chiêu trò tâm lý, thay vì kỹ thuật thuần túy.
Thậm chí, Google còn triển khai thí điểm tại Anh tính năng tự động dừng chia sẻ màn hình với các ứng dụng ngân hàng nếu phát hiện có rủi ro, cho thấy chiến lược đang được điều chỉnh linh hoạt theo từng thị trường cụ thể – một điểm cộng trong thời đại mà lừa đảo kỹ thuật số không biên giới, nhưng cách phòng vệ lại cần “bản địa hóa”.
Android đang tiến tới một mô hình bảo mật “phản ứng tức thời, phòng ngừa chủ động và điều chỉnh theo ngữ cảnh” – điều mà bất kỳ nền tảng di động hiện đại nào cũng phải hướng đến nếu muốn bảo vệ hàng tỷ người dùng trước làn sóng lừa đảo số đang lan rộng.
Thay vì đợi người dùng bị hại rồi mới sửa sai, Google dường như đang chọn cách trở thành người giám hộ chủ động, tạo ra một môi trường an toàn hơn từ bên trong hệ điều hành – điều mà người dùng Android rất cần lúc này.