Giá vàng trong nước
Đầu giờ sáng ngày 2/8, giá vàng 9999 của SJC giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua.
Giá vàng SJC sáng 2/8 giảm trở lại theo đà đi xuống của giá vàng thế giới, khi được giao dịch quanh 66,65 triệu đồng/lượng mua vào, 67,25 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được niêm yết quanh 55,95 triệu đồng/lượng mua vào, 56,95 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng mỗi lượng.
Thị trường vàng trong nước tiếp tục biến động trong biên độ hẹp, dù vậy, các doanh nghiệp vẫn duy trì biên độ giá mua – bán vàng SJC, vàng trang sức và vàng nhẫn ở mức rất cao từ 600.000 đồng/lượng.
Trước đó, tại Việt Nam, giá vàng SJC trong ngày 1/8 tăng 50.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 67,35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Lúc 9h24' ngày 2/8, giờ Việt Nam Trước sức ép ngày càng tăng từ USD và trái phiếu, giới kinh doanh liền bán vàng thu hồi vốn. Giá vàng hôm nay có lúc giảm 20 USD, từ 1.960 USD/ounce xuống còn 1.940 USD/ounce lúc 2 giờ ngày 2/8. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.985 USD/ounce.
Giá vàng biến động mạnh khi Hội đồng Vàng Thế giới cho biết trong quý II/2023, nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 2%, xuống còn 921 tấn do lãi suất tăng và kinh tế Mỹ mạnh lên.
Giá vàng thế giới đêm 1/8 cao hơn khoảng 6,7% (122 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/8.
Giá vàng trên thị trường quốc tế rớt nhanh từ đỉnh 2 tháng (quanh ngưỡng 1.980 USD/ounce hôm 27/7) do áp lực chốt lời gia tăng khá nhanh và đồng USD bất ngờ lên giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Đồng bạc xanh tăng mạnh trong bối cảnh một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới giảm, trong đó có Yen Nhật và Nhân dân tệ.
Đồng yen Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do chính sách thay đổi của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần trước. Theo đó, BOJ có thể chuẩn bị thay đổi mục tiêu về đường cong lợi suất vào năm 2023.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm theo những biến động chưa tích cực của nền kinh tế Trung Quốc.
Đồng Euro và Bảng Anh cũng quay đầu giảm sau một thời gian tăng mạnh mẽ.
Sự sụt giảm của nhiều đồng tiền đã khiến USD tăng lên mức cao nhất 3 tuần.
Vàng giảm giá còn do mặt hàng quan hệ mật thiết với vàng là dầu suy giảm. Lợi tức trái phiếu tăng cũng gây áp lực lên vàng.
Thị trường vàng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nền tảng vững chắc, dù Cục Dự trữ Liên bang đang tiến gần đến cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Khảo sát ý kiến của Cán bộ cho vay cấp cao (SLOOS) mới nhất của Fed cho thấy thị trường tín dụng đang thắt chặt trên diện rộng.
Dữ liệu khảo sát cho thấy điều kiện tín dụng vẫn tiếp tục thắt chặt, dù lo ngại từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 5 đã giảm bớt. Điều này khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư cảm thấy lo lắng về việc nền kinh tế Mỹ có thể chậm lại trong tương lai.
Tuy nhiên, các nhà chiến lược có ý kiến khác nhau về việc Fed có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hay không. Một số cho rằng Fed có thêm không gian để kết thúc chu kỳ thắt chặt, trong khi những người khác cho rằng dữ liệu khảo sát không cung cấp đủ thông tin chi tiết cho quyết định chính sách tiếp theo của Fed.