Đây là hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo Công đoàn toàn cầu, hàng năm tụ họp tại một địa điểm được lựa chọn bởi dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ hướng tới các nước khu vực Đông Nam Á, nơi quy tụ của nhiều cơ sở sản xuất điện tử và là khu vực có đông lao động của ngành này nhất trên thế giới. Việt Nam vinh dự có hai đại biểu tham dự Hội nghị do Công đoàn Công thương đề cử.
Với chủ đề xuyên suốt của Hội nghị là “Những xu hướng toàn cầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 và hành động của công đoàn ngành điện, điện tử, CNTT”, hội nghị năm nay tập trung vào những nội dung cơ bản của định hướng hoạt động của Công đoàn toàn cầu về xu hướng phát triển của lao động ngành điện, điện tử, CNTT trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội nghị đã nghe những báo cáo rất có giá trị về hoạt động của công đoàn ngành ở khắp nơi trên thế giới được trình bày bởi chuyên gia cao cấp, Giám đốc bộ phận điện, điện tử, CNTT Công đoàn Toàn cầu, ông Kan Matsuzaki. Hội nghị cũng được nghe các chia sẻ của các công đoàn ngành đến từ các nước: Malaysia, Việt Nam, Brazil, Nhật Bản, Inđônêxia, Ôxtrâylia, Thái Lan, Hà Lan, Đan mạch, Anh, Singapore và Cộng hoà Pháp. Các chủ đề chính được tập trung trao đổi tại Hội nghị lần này là:
- Xu hướng hoạt động của lao động và công nhân thuộc Công đoàn Toàn cầu trong cách mạng công nghiệp 4.0;
- Tổ chức và xây dựng công đoàn ngành vững mạnh;
- Chống lao động tạm thời và chiến lược cung ứng lao động theo chuỗi;
- Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất và các chính sách công nghiệp bền vững;
- Hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức công đoàn trong các công ty đa quốc gia.
Hội nghị cũng sôi nổi thảo luận về kế hoạch hành động của công đoàn ngành điện, điện tử, CNTT trên khắp thế giới cho giai đoạn những năm 2017 – 2018. Tiếp nối thành tựu của bản Kế hoạch hành động được tổ chức Công đoàn toàn cầu thống nhất đưa ra tại Hội nghị thế giới của Công đoàn toàn cầu ngành điện, điện tử, CNTT họp tại Petaling Jaya, Malaysia vào tháng 6 năm 2015, bản Kế hoạch hành động lần này với mục tiêu đáp trả những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa ra 10 điểm hết sức rõ ràng. Trong đó nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là một sáng tạo công nghệ mới, nhưng lại có sức ảnh hưởng to lớn đến lực lượng lao động trong suốt chiều dài lịch sử của ngành công nghiệp sản xuất này. Khả năng mất việc làm do máy móc tự động hoá thay thế con người ngày càng tăng cao, đe doạ và thách thức sự bền vững và ổn định của lao động ngành. Các cuộc đối thoại giữa người lao động và chủ sử dụng lao động được công đoàn ngành đưa ra thành những khung chiến lược đàm phán trong những thoả ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, việc tăng cường và làm vững mạnh hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn ngành được để cập tới trong bối cảnh số lượng lao động ngành giảm và có nhiều khả năng mất đi những thành viên trực thuộc công đoàn. Các biện pháp liên kết công đoàn toàn cầu cũng đã được đề cập tới tại Hội nghị, trong đó, lưu ý tới việc vận động và thiết lập các tổ chức công đoàn tại các công ty đa quốc gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động ở khu vực dễ bị tổn thương và dễ bị mất việc này.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã có cơ hội đi thăm một số cơ sở sản xuất ngành điện tử tại Inđônêxia, thăm và làm việc tại văn phòng của tổ chức Công đoàn toàn cầu tại Inđônêxia. Hội nghị kết thúc với những cái nắm tay thật chặt, biểu hiện tình đoàn kết của anh chị em công đoàn toàn cầu và hứa hẹn một hội nghị chuyên ngành về điện, điện tử, công nghệ thông tin tại Việt Nam tập trung vào chống lao động tạm thời ở khu vực sản xuất công nghiệp điện tử, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 8 năm 2017 tại Hà Nội.
Bogor, tháng 5 năm 2017