Cuối năm 2023, cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha (Policía Nacional) nhận được một loạt đơn khiếu nại từ người dân. Các nạn nhân kể rằng họ bị dụ dỗ đầu tư tiền số qua lời mời gọi... từ người nổi tiếng. Video có vẻ thuyết phục, có bài báo đính kèm, có cả website với biểu đồ lợi nhuận nhảy múa. Nhưng tất cả chỉ là một sân khấu ảo được dựng nên bằng trí tuệ nhân tạo.
Cuộc điều tra nhanh chóng hé lộ một chiến dịch lừa đảo quy mô toàn cầu mang tên Coinblack_Wendmine, với hàng trăm nạn nhân tại nhiều quốc gia. Sáu nghi phạm bị bắt giữ tại các khu vực Granada và Alicante, Tây Ban Nha. Nhóm này bị cáo buộc đã sử dụng các công cụ AI, video deepfake và mạng lưới công ty vỏ bọc để đánh lừa hơn 200 người, chiếm đoạt tới 20,9 triệu USD.
Chiến dịch lừa đảo được thực hiện theo từng lớp, như một vở kịch được biên đạo tinh vi:
Giai đoạn 1 – Gây thiện cảm: Kẻ lừa đảo chủ động làm quen với nạn nhân, thường thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng kết nối. Sau một thời gian tương tác, chúng bắt đầu giới thiệu "cơ hội đầu tư hấp dẫn".
Giai đoạn 2 – Gieo niềm tin bằng AI: Những video deepfake có hình ảnh người nổi tiếng kêu gọi đầu tư vào dự án được gửi đến nạn nhân. Đây là lúc AI thể hiện sức mạnh: gương mặt sống động, giọng nói y như thật, lời lẽ thuyết phục. "Nếu một người nổi tiếng cũng đầu tư, tại sao mình không thử?" – đó là suy nghĩ chung của nhiều nạn nhân.
Giai đoạn 3 – Cho ăn trước, xiết sau: Ban đầu, nạn nhân được trả "lợi nhuận" nhỏ để tạo niềm tin. Nhưng khi muốn rút tiền, họ sẽ được thông báo rằng tài khoản đã bị khóa và cần nộp thêm tiền để mở lại. Đây là lúc cái bẫy siết chặt.
Giai đoạn 4 – Đòn kết liễu bằng deepfake giọng nói: Một số nạn nhân thậm chí còn nhận cuộc gọi từ "cảnh sát", "luật sư" hoặc "đại diện ngân hàng", yêu cầu đóng thêm một khoản "thuế phục hồi tài khoản". Giọng nói? Vẫn là AI.
Cảnh sát cho biết nhóm tội phạm sử dụng thuật toán để lựa chọn nạn nhân tiềm năng dựa trên hồ sơ cá nhân thu thập được từ các nguồn trực tuyến. Mỗi “con mồi” được nghiên cứu kỹ lưỡng – từ thói quen đầu tư, mức thu nhập đến nền tảng tài chính.
“AI đang trở thành chất xúc tác làm tăng tốc độ, độ tin cậy và quy mô của các vụ lừa đảo,” Evan Dornbush, cựu chuyên gia NSA, nói với Forbes. Theo ông, chi phí để sản xuất một video deepfake "đáng tin" giờ chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây, nhưng hiệu quả thì vượt xa tưởng tượng.
Cảnh báo của cảnh sát Tây Ban Nha không phải là đơn lẻ. Tại Australia, chỉ trong nửa đầu năm 2024, người dân nước này đã mất 8 triệu USD vì các chiêu trò deepfake tương tự. Europol – Cơ quan cảnh sát châu Âu – gọi đây là “cuộc cách mạng trong phạm tội”, nơi AI đang được khai thác triệt để cho mục đích lừa đảo, giả mạo và thao túng thông tin.
Để không trở thành nạn nhân tiếp theo của một chiến dịch lừa đảo được “AI hóa”, các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần:
1. Luôn nghi ngờ những hứa hẹn sinh lời phi thực tế
Bất kỳ lời mời đầu tư nào đảm bảo lợi nhuận cao trong thời gian ngắn đều tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt nếu kèm theo áp lực phải chuyển tiền ngay hoặc nạp thêm để “giải cứu” tài khoản.
2. Kiểm tra tính xác thực của nội dung
Video có người nổi tiếng? Đừng vội tin. Hãy tìm nguồn chính thức, kiểm tra xem người đó có thực sự đăng tải thông tin ấy không. Dấu hiệu deepfake thường là ánh mắt thiếu tự nhiên, cử động môi không khớp lời nói hoặc biểu cảm thiếu chân thật.
3. Tuyệt đối không thanh toán bằng tiền số khi chưa kiểm chứng đối tác
Tiền số là công cụ ưa thích của tội phạm mạng vì khó truy dấu. Nếu bên đối tác chỉ chấp nhận crypto và từ chối mọi hình thức thanh toán hợp pháp khác, hãy cẩn trọng.
4. Cập nhật kiến thức về an toàn số
Trang bị kiến thức về công nghệ deepfake, AI và bảo mật cá nhân là điều bắt buộc trong thời đại số. Tham khảo các nền tảng uy tín, khóa học miễn phí từ Google, Coursera hoặc các tổ chức bảo mật như Kaspersky, ESET, v.v.
Vụ Coinblack_Wendmine không chỉ là một lời cảnh báo, mà còn là tín hiệu cho thấy AI giờ đây không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn có thể là vũ khí. Trong một thế giới mà “người nổi tiếng” có thể nói bất cứ điều gì qua công nghệ deepfake, niềm tin chính là mục tiêu tấn công đầu tiên của tội phạm mạng.
Và khi đó, kiến thức – chứ không phải phần mềm – mới là lớp tường lửa đầu tiên để bảo vệ mỗi người dùng.