Theo Bộ Công Thương, năm 2017 lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - cho biết, trong những năm qua, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng, cán cân thương mại được cải thiện.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng các chủng loại hàng chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng các nhóm hàng khai thác tài nguyên, khoáng sản, hàng sơ chế có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh –vấn đề quan trọng là các thương hiệu Việt vẫn chưa thực sự tạo ấn tượng trên thị trường quốc tế. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt hơn nữa để đẩy mạnh thương hiệu và coi đó như một tài sản giá trị của mình”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuất – TGĐ Công ty Cp Công nghệ MPOS Việt Nam – nói lên tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ vào các giao dịch thương mại với nước ngoài qua internet khi ngàycác hãng kinh doanh trên thế giới đã thường xuyên áp dụng công nghệ blockchain, IOT, Supplychain... vào việc kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt vẫn còn khá ngỡ ngàng. “Một người nông dân Thái Lan có thể bán hàng trăm tấn nông sản vào thị trường Trung Quốc chỉ sau vài phút khi đăng lên trang TaoBao”, Ông Tuất cho ví dụ.
Ông Đoàn Anh Tuân – Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (Chè Cozy) lại đề cập đến một vấn đề hết sức khó khăn hiện nay đó là cách xúc tiến thương mại thế nào cho hiệu quả. Ý kiến này đã được ông Võ Trí Thành nhận xét là “mộc mạc và thẳng thắn” khi bày tỏ rằng việc hàng năm cử các đoàn công tác đi kèm với vài doanh nghiệp sang nước ngoài vừa gây tốn kém vừa không đem lại hiệu quả cao. Vì mỗi doanh nghiệp đi cùng lại có một mục đích khác nhau. Về việc tạo thương hiệu ông cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài có những cách quảng bá rất tinh tế, họ đơn giản chỉ nói rằng các sản phẩm của họ là tốt là đẹp và hình ảnh đó thường lặp lại ở các nơi công cộng như màn hình trong thang máy nên rất dễ tạo hình ảnh trong lòng người tiêu dùng.
Một số giải pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam năm 2018
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa khâu thiết kế mẫu mã, tăng hàm lượng xuất khẩu mặt hàng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) thay vì chỉ gia công xuất khẩu như hiện nay để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và tăng hàm lượng giá trị cho hàng xuất khẩu. Để tránh cạnh tranh trực tiếp, doanh nghiệp có thể tìm thị trường ngách để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường.
Tiếp đến là mặt hàng da giày, cũng giống như hàng dệt may, ngành da giày hiện phần lớn sản xuất gia công. Từ tháng 1/2019, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm giày dép sang thị trường EU sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này và là mặt hàng hứa hẹn đem lại kim ngạch lớn trong những năm tới.
Những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2018
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu… nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gắn với thương hiệu Việt trong thời gian tới.
Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, hiện xu hướng bảo hộ gia tăng tại các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn và truyền thống của Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu trong nước sẽ phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao cùng với việc các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng riêng trên thị trường quốc tế.
“Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh. Sản xuất xuất khẩu vẫn tương đối phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, do đó khi nguồn nguyên phụ liệu này có sự biến động về giá cả và chất lượng thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa trong nước xuất khẩu”. Ông Hải nói.