Theo đó, tính đến hết tháng 9/2022, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp cận được khoảng 490.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đạt mức tăng trưởng trung bình 20%/tháng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chuyển đổi số hiệu quả, Chương trình SMEdx cam kết cung cấp từ 3 - 6 tháng miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô dưới 50 người. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, không cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo "thuê bao" hàng tháng và bảo đảm an toàn thông tin.
Đến hết tháng 9/2022, tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng của Chương trình SMEdx đã đạt trên 62.000 doanh nghiệp, chiếm 13% tổng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chương trình, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 15%.
Bên cạnh đó, trong số 9 nhóm nền tảng xuất sắc của Chương trình SMEdx, nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp được các doanh nghiệp triển khai sử dụng nhiều (39,8%). Tiếp đến là nền tảng nhân sự, tổ chức (17%); nền tảng du lịch, khách sạn (16%); nền tảng hạ tầng công nghệ (14%), nền tảng kế toán tài chính (10%); nền tảng quảng cáo, tiếp thị, chăm sóc khách hàng (1,2%); nền tảng giáo dục trực tuyến (0,7%); nền tảng vận tải, logistic (0,5%); nền tảng an toàn, an ninh mạng (0,3%) và nền tảng mạng xã hội (0,1%).
Ngoài ra, tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng SMEdx có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng SMEdx trên tổng số doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng SMEdx trên cả nước cao như Hà Nội (34%), TP.HCM (32,7%), TP.Đà Nẵng (11,5%), Cà Mau (7,5%), Bình Dương (2,5%). Một số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thấp như Điện Biên, Hòa Bình, Tây Ninh, Hậu Giang…
Nguyên nhân các địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx cao cơ bản là các thành phố lớn, nơi tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, các chính sách cũng như công nghệ chuyển đổi số. Các địa phương này cũng trải qua đợt dịch Covid khá nặng nề, do đó nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đều rất cao.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Đơn cử, Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025" (ngày 23-9-2022) hướng tới đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (được xác định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) như đăng ký trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số.
Các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn gặp nhiều trở ngại trong công tác hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận các nền tảng số để phát triển doanh nghiệp, trong đó chủ yếu vẫn là về nhận thức và năng lực của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian hơn để quyết định thực hiện có chuyển đổi số hay không. Sự hạn chế của doanh nghiệp xuất phát từ việc không chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ trong nội bộ còn yếu, tài chính hạn hẹp và khó khăn trong thay đổi mô hình vận hành.