Nhật Bản đã kêu gọi thêm các nhà sản xuất ô tô như Toyota, Nissan, và Honda vào siêu dự án quốc gia này nhằm tạo nên các công nghệ cốt lõi cho pin Lithium Ion thể rắn – một giải pháp thay thế an toàn hơn, mạnh mẽ hơn cho loại pin hiện đang được dùng trong các xe chạy điện. Pin thể rắn có công suất cao hơn và an toàn hơn, do đó chúng không có nguy cơ về việc rò rỉ chất điện phân. Chúng cũng có kích thước nhỏ gọn hơn, mang lại nhiều lợi thế về thiết kế.
Các xe chạy điện hiện tại đều sử dụng pin Lithium-Ion dựa trên chất điện phân lỏng. Pin Lithium-Ion thể lỏng mang lại tầm hoạt động tương đối hạn chế và chi phí cao. Panasonic từ lâu đã là người dẫn đầu toàn cầu về loại pin này, nhưng theo hãng tư vấn Techno Systems Research tại Tokyo, thị phần của Panasonic dự kiến sẽ bị giảm xuống chỉ còn 16% trong năm nay.
Chính vì thế, nhà sản xuất pin Panasonic cũng nằm trong số 23 công ty trong dự án do Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản bắt đầu triển khai từ cuối tuần trước. Eiji Fujii, giám đốc phụ trách nghiên cứu về nguồn tài nguyên và năng lượng tại Panasonic, cho biết. “Với tư cách là một nhà sản xuất pin , chúng tôi không thể để các đối thủ nước ngoài đánh bại mình về pin thể rắn”.
Nhóm quản lý nghiên cứu này đặt ra mục tiêu đến năm 2022 cho các công nghệ lõi, với hy vọng duy trì vị thế dẫn đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển pin thể rắn toàn cầu. Trước đây NEDO đã tham gia vào nghiên cứu pin thể rắn với các nhà sản xuất vật liệu. Ông Kei Hosoi, giám đốc dự án NEDO, cho biết. “Phần lớn các bằng sáng chế về pin thể rắn hoàn toàn đều đến từ các công ty Nhật”.
Đích ngắm cuối cùng của dự án siêu quốc gia này sẽ là hạ giá thành khối pin xuống chỉ còn 10.000 Yên (khoảng 90 USD) cho mỗi kWh điện vào năm 2030, tương đương 1/3 chi phí cho các loại pin Lithium – Ion hiện tại. Nghiên cứu cũng đặt ra mục tiêu thời gian sạc nhanh sẽ diễn ra trong 10 phút, chỉ bằng 1/3 thời gian cần thiết của các viên pin Lithium-Ion hiện tại.
Toyota, hãng đóng vai trò dẫn đầu trong dự án này, đặt mục tiêu thương mại hóa công nghệ này vào đầu năm 2020. Công ty này hiện đang nắm giữ nhiều bằng sáng chế nhất trên toàn cầu về các lĩnh vực liên quan, và hãng đã tăng cường đội ngũ nhân viên phát triển của mình lên tới con số khoảng 300 người. Hideki Iba, người giám sát nghiên cứu vật liệu pin và công nghệ tại Toyota, cho biết. “Chúng tôi muốn có một bước đột phá lớn và đưa vào sử dụng thực tế cho các loại xe của hãng”. Tốc độ sẽ là chìa khóa để Nhật Bản luôn giữ vững ngôi đầu trong cuộc đua phát triển công nghệ pin mới.