Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 1,26 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% (tương ứng tăng 672 triệu USD).
Với kết quả trên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 56,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 22,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 152,19 tỷ USD, giảm 18,2% (tương ứng giảm 33,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6 năm 2023 ước tính thặng dư 2,59 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 12,26 tỷ USD.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/6 đến 30/6/2023 đạt 29.459 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 1/1 đến 30/6 đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan tới xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Bộ Công thương nhấn mạnh, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7%; xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước), chiếm 90,1% tổng kim ngạch, xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Con số kim ngạch xuất khẩu khởi sắc của tháng 6 cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Ngoài ra, cần tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Việc khai thác các FTA vẫn sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt. Để khai thác thị trường có FTA thì cần phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng. Việc phổ biến và làm doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này là trách nhiệm mà Bộ Công Thương cần thúc đẩy trong thời gian tới.