Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác năm thông tin gồm: Tên hàng hoá, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không.
Như vậy, từ 1/9, khi muốn gửi hàng hóa trên xe khách thì người gửi bắt buộc phải cung cấp các thông tin trên cho tài xế.
Theo ghi nhận thực tế, dù Nghị định có hiệu lực từ 1/9, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt buộc người gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp các thông tin về tên hàng hoá, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD... cho lái xe.
Ngoài ra nghị định này cũng sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Theo đó, taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
Không sử dụng ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ôtô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Nghị định 47 cũng bổ sung quy định mới về việc lắp thiết bị giám sát hành trình với xe ô tô. Từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.
Trong đó, các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera được quy định tại Nghị định 10/2022 bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo.