Theo số liệu thống kê gần đây cho thấy, số lượng cuộc gọi rác trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2022 lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2021. Thậm chí, tốc độ gia tăng cuộc gọi rác đang diễn ra phi mã.
Cụ thể, tháng 1/2022 phát sinh hơn 10 triệu cuộc gọi rác thì đến tháng 3, lượng cuộc gọi rác tăng gấp đôi. Đến tháng 6 và 7, tình trạng cuộc gọi rác càng bùng phát mạnh mẽ hơn.
Trước đó theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng cuộc gọi rác là 74,1 triệu, tăng 53% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 48,4 triệu cuộc). Và trung bình mỗi tháng có khoảng 400.000 thuê bao bị nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.
Đi cùng với số lượng thuê bao phát sinh tăng, số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các doanh nghiệp xử lý trong thời gian qua cũng tăng mạnh. Trong 7 tháng qua, số lượng thuê bao bị xử lý trung bình đạt 26.769 thuê bao, tăng gấp 1,7 lần so với trung bình 7 tháng đầu năm 2021 (khoảng 15.130 thuê bao).
Phân tích lý do dẫn đến tình trạng này, cơ quan quản lý cho biết thời điểm cùng kỳ năm ngoái đang là cao điểm dịch Covid-19 nên tình trạng phát tán các cuộc gọi rác, quảng cáo, rao vặt... ít hơn. Tuy nhiên, hiện nay khi tình hình trở lại bình thường, nhu cầu kinh doanh buôn bán tăng, kéo theo tình trạng phát tán cuộc gọi rác cũng tăng theo.
Đặc biệt, hầu hết cuộc gọi rác có nội dung quảng cáo hoặc vì mục đích lừa đảo, xuất phát từ thuê bao chưa được định danh.
Để ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, giải pháp được phía cơ quan quản lý đưa ra thống nhất với các doanh nghiệp tiêu chí xác định thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác (tần xuất 150 cuộc/ngày, thời gian gọi dưới 45 giây; cuộc gọi đi lớn gấp 10 lần cuộc gọi đến). Cùng với đó, phối hợp Thanh tra Bộ lên kế hoạch kiểm tra, xử phạt; truyền thông thay đổi nhận thức vấn đề này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác.