Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Dự thảo này được trình lên Chính phủ cuối năm ngoái. Trong báo cáo đầu tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sau khi có được sự nhất trí của Chính phủ, Bộ đang phối hợp xây dựng và hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý II/2023.
Dự thảo được bổ sung, sửa đổi một số quy định về quản lý nền tảng xuyên biên giới và nội dung thông tin trên không gian mạng. Trong đó có quy định mạng xã hội, gồm cả trong nước và xuyên biên giới, phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Việc định danh này được thực hiện bằng cách xác thực tên thật và số điện thoại. Dự kiến tại Việt Nam, các mạng xã hội chỉ cho tài khoản đã được định danh viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp). Nếu không, người dùng chỉ được xem nội dung. Bên cạnh đó, tài khoản không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Cũng theo dự thảo, mạng xã hội chịu trách nhiệm định danh người dùng. Ngoài ra, phải quản lý nội dung livestream, gỡ bỏ ngay trong vòng ba giờ khi có yêu cầu. Trong trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu, người dùng cần đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện nay, một số mạng xã hội cũng yêu cầu xác minh danh tính với một số nhóm tài khoản. Từ 2014, người dùng Facebook ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam, phải sử dụng tên thật. Quy định này sau đó được nới lỏng. Tuy nhiên, khi có vấn đề liên quan tới tài khoản, người dùng sẽ phải gửi thông tin cá nhân, như ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho mạng xã hội xét duyệt.
YouTube và Google không yêu cầu xác minh danh tính khi đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, người dùng cần cung cấp số điện thoại để xác minh tài khoản và bảo mật hai lớp. Riêng đối với những người kiếm tiền từ YouTube và Google AdSense, nền tảng yêu cầu cung cấp danh tính cá nhân, và nếu không, thanh toán sẽ bị đình chỉ. "Điều này giúp xác minh thông tin tài khoản của bạn là chính xác và bảo vệ bạn khỏi hoạt động gian lận," điều khoản của Google nêu.
Tuy việc định danh được đặt ra nhằm bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của người dùng liên quan tới tài khoản trên mạng xã hội, quy trình này có thể vấp phải khó khăn khi đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm như số căn cước công dân (dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú... xuất hiện trên thẻ căn cước khi chụp hình), số điện thoại, họ tên thật...