Cụ thể, 8h30 sáng ngày 22/12, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 75,2 - 76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá mở cửa đầu giờ sáng nay.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng được công ty PNJ niêm yết ở mức 75 - 75,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 - 150.000 đồng/lượng.
Giá vàng tại Doji cũng được điều chỉnh lên ngưỡng 76 triệu đồng/lượng, ở mức 75 - 76 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 - 350.000 đồng/lượng (mua-bán) so với đầu giờ sáng.
Như vậy, giá vàng ngày 22/12 đã xô đổ kỷ lục cũ vừa được thiết lập hôm qua là 75,7 triệu đồng/lượng để thiết lập mức mới 76,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 22/12 tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 5,3 USD lên 2.045,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.057,8 USD/ounce, tăng 10 USD so với rạng sáng 21/12.
Giá vàng thế giới nhích nhẹ nhờ sự suy yếu của đồng USD khi báo cáo kinh tế được công bố mới nhất củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 năm sau. Cụ thể, dữ liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng với tốc độ 4,9% hằng năm trong quý trước, điều chỉnh giảm so với mức 5,2% được báo cáo trước đó, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần tăng nhẹ.
Theo Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ đẩy nhanh cắt giảm lãi suất. Dữ liệu GDP yếu hơn so với dự kiến đã đẩy kim loại màu vàng lên.
Sau báo cáo, đồng USD đã mất đi 0,5%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động gần mức thấp nhất trong 5 tháng. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng.
Sau báo cáo, kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào quý 1 năm sau ngày càng tăng. Theo công cụ CME FedWatch, sau báo cáo, thị trường kỳ vọng 83% khả năng giảm lãi suất vào tháng 3 xảy ra, tăng 4% so với trước đó.
Lập trường ôn hòa của Fed gần đây đã khiến thị trường định giá một số đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Tuy nhiên, một số quan chức Fed đã lên tiếng phản đối việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.
Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh phần lớn các kênh đầu tư trên thế giới gặp khó. Nhiều nước đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đi xuống, bất động sản trầm lắng.
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc được cho là có thể sẽ phá hỏng mục tiêu tăng GDP của nước này. Trên Nikkei, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) cho rằng, tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc sẽ bằng 0 vào năm 2027. Bong bóng bất động sản Trung Quốc có thể vỡ và gây ra khủng hoảng tài chính. Tăng trưởng GDP nước này sẽ bị kẹt quanh mức thấp 1%.
Các loại hàng hóa, trong đó có vàng, cũng tăng vì xu thế nới lỏng khó tránh khỏi trong năm 2024. Các nước dự kiến sẽ nhanh chóng hạ lãi suất và đẩy một lượng tiền lớn ra nhằm hỗ trợ kinh tế đang diễn biến xấu.