Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường sách ở Việt Nam bỗng trở nên đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện của một loại ấn phẩm đặc biệt – những cuốn sách được “độ” bìa của Công ty sách Đông A. Cách ‘độ’ bìa là sử dụng những vật liệu cao cấp như da, gỗ, giấy cao cấp, vàng, trạm khắc hoa văn... để thay đổi diện mạo bên ngoài của cuốn sách trở nên đẹp hơn, sang trọng, đắt tiền... Tất nhiên đi kèm với sự xa xỉ luôn là giá bán rất cao, gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với bản sách thông thường.
Có thể nhận xét chiến lược kinh doanh thêm loại sách đặc biệt bên cạnh các bản sách thông thường của Đông A là nét mới ở quy mô lớn nhất trên thị trường sách Việt Nam từ trước đến nay. Về mặt tích cực, những cuốn sách ‘độ’ bìa đã tạo nên sự hấp dẫn khá cao cho thị trường sách giấy, đã thu hút thêm nhiều bạn đọc, trong bối cảnh đang bị bào mòn bởi sự phát triển của các loại sách điện tử, mạng xã hội, game và các hình thức giải trí truyền thông đa phương tiện khác.
Sức hấp dẫn của các bản sách đặc biệt còn ở chỗ chúng không chỉ còn là các tác phẩm có nội dung hay, kinh điển mà đã trở thành đồ vật có giá trị vật chất, nên nhiều người muốn tìm hiểu và sở hữu. Thị trường sách cũng thêm phần sôi nổi. Mặt khác, kinh doanh sách ‘độ’ bìa cũng giúp cho Đông A có thêm lợi nhuận, giúp công ty đứng vững, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp đã phải tạm đóng cửa hoặc giải thể.
Mặt tích cực là vậy! Song cần phải xét đến khía cạnh quan trọng hơn bởi sách là một loại hàng hóa đặc biệt! Có so sánh đơn giản việc xuất bản, phát hành một cuốn sách khác với việc người thợ mộc đóng một chiếc tủ. Khi tạo ra sản phẩm, người thợ mộc có thể trạm khắc hoa văn, khảm trai, ngọc, vàng lên chiếc tủ của mình tùy ý mà không cần đăng ký mẫu mã, xin cấp phép với bất kỳ cơ quan nào. Còn sách thì phải xin phép, phải được phê duyệt và phải thực hiện đúng nội dung, hình thức đã được phê duyệt, không được tự ý thay đổi.
Việc “độ” bìa sách của Đông A đã gây nhiều băn khoăn cho bạn đọc và gặp phải những phản ánh trái chiều khi những cuốn sách đó không ghi đầy đủ thông tin ở bìa trước, gáy sách, bìa sau. Cụ thể: bìa trước không ghi tên nhà xuất bản, không ghi tên Công ty Đông A, không ghi tên tác giả, tên dịch giả; gáy sách không có tên và logo của nhà xuất bản; bìa sau không ghi giá sách, không hiển thị mã vạch, số ISBN. Những thiếu sót này đã vi phạm Luật Xuất bản hiện hành của Việt Nam (Điều 27 Luật Xuất bản 2012).
Trước đây, năm 2014, thị trường sách Việt Nam đã từng xuất hiện những cuốn sách có bìa gây phản cảm trong dư luận: đó là cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của NXB Lao động – Xã hội. Điều đáng nói là hình ảnh trên bìa sách, thay vì vị thần Công Lý lại là hình ảnh diễn viên Công Lý mặc một chiếc quần lót, hai tay cầm hai cán cân. Tất nhiên, Nhà Xuất bản NXB Lao động – Xã hội và đơn vị liên kết sau đó đã bị xử phạt, nhưng đã gây ảnh hưởng xấu đến bạn đọc, đến uy tín của quản lý ngành xuất bản. Nguyên nhân được xác định là bên liên kết xuất bản đã tự ý thay đổi hình trên bìa sách không đúng với mẫu xin cấp phép.
Việc không ghi đầy đủ, ghi không đúng vị trí thông tin ở bìa trước có thể khiến công ty Đông A bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, điều 25, khoản 1.
Thêm vào đó, sau khi ‘độ’ bìa sách, Công ty Đông A đã tăng giá bán lên nhiều lần so với bản thông thường: Cụ thể: Cuốn “Napoleon Bonnaparte” của tác giả Adam Zamoyski bản thông thường có giá 590.000 đồng, nhưng bản đặc biệt đã tăng giá bán lên 2,1 triệu đồng. Việc không ghi giá ở bìa sau, tự ý tăng giá bán có thể khiến công ty Đông A bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, điều 23, khoản 3, điểm a.
Thật bất ngờ nhưng cũng thật rõ ràng khi khẳng định những cuốn sách đẹp và hấp dẫn đến “hút hồn” của Đông A đang vi phạm Luật xuất bản 2012. Bản chất của những cuốn sách này không có lỗi nhưng việc ‘độ’ bìa đã không cho ra sản phẩm đúng luật. Đây là một điều đáng tiếc đối với một đơn vị làm sách chuyên nghiệp như công ty sách Đông A. Bởi việc ghi đầy đủ thông tin trên bìa sách là thể hiện sự tôn trọng đối với Nhà xuất bản; sự tôn trọng đối với tác giả, dịch giả; và quan trọng nhất là sự tôn trọng đối với pháp luật Việt Nam mà ở đây là Luật Xuất bản.
Sử dụng 1 giấy phép để xuất bản 2 loại sách khác nhau là vi phạm Luật Xuất bản.
Có thể thấy các bản sách thông thường và sách đặc biệt là 2 ấn phẩm hoàn toàn khác nhau (ít nhất là 2). Để thực hiện đúng luật, Đông A cần xin ít nhất 2 giấy phép xuất bản cho từng loại ấn phẩm đó. Nhưng ở đây, Đông A không làm vậy – họ sử dụng chung 1 giấy đăng ký, 1 phép xuất bản cho cả sách thông thường và sách đặc biệt. Sai phạm này có thể khiến Đông A bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, điều 23, khoản 2, điểm a: “Không ký quyết định xuất bản đối với từng xuất bản phẩm”. Với cách làm trên chúng ta dễ dàng nhận thấy Công ty Đông A sẽ không thực hiện nộp lưu chiểu đúng luật. Việc không nộp lưu chiểu các bản sách đặc biệt có thể khiến Đông A bị xử phạt từ 10- 20 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, điều 26, khoản 4.
Từ sai phạm này lại dẫn đến sai phạm khác, đấy là chưa kể đến các bản sách đặc biệt của Đông A cũng rất khác nhau, ít nhất là khác nhau về màu sắc và hoa văn. Đó là lý do tại sao ở trên tôi có ghi cần xin ít nhất 2 giấy phép (ít nhất là 2).
So với nghị định 159/2013/NĐ-CP thì nghị định 119/2020/NĐ-CP đã tăng mức phạt lên đáng kể. Tuy nhiên, những vi phạm của Đông A theo ước tính khoảng vài chục triệu đồng. Số tiền này đối với một đầu sách thông thường, số lượng in khoảng 3000 cuốn của doanh nghiệp sách bình thường khác là rất lớn, có thể lấy đi hầu hết lãi và vốn của họ. Nhưng đối với Đông A thì chẳng thấm vào đâu! Bởi họ chỉ cần bán vài cuốn sách đặc biệt là có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Trong suốt 2 năm qua, hàng nghìn cuốn sách đặc biệt đã được bán sẽ cho một doanh thu khổng lồ - nhiều tỷ đồng. Tình trạng phạt thì cứ phạt, vi phạm thì vẫn vi phạm ở Việt Nam vẫn thường diễn ra như vậy, trong bối cảnh lơi lỏng quản lý phát hành xuất bản phẩm.
Khi những cuốn sách ‘độ’ bìa không đúng luật được bán tự do trên thị trường sẽ gây dư luận xấu và ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc. Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào ưu tiên, đặc cách cho những cuốn sách đặc biệt không cần tuân thủ Luật Xuất bản. Nếu đó là khiếm khuyết của luật pháp thì Cục Xuất bản cần bổ sung thêm. Còn nếu thấy Luật đủ rồi thì đó là sai sót của Đông A và Nhà Xuất bản cần sửa chữa ngay. Bởi chiếu theo quy định hiện hành thì những cuốn sách đặc biệt ‘độ’ bìa của Đông A vẫn là sách vi phạm và nếu không có giấy phép xuất bản riêng thì gọi đó là sách in lậu!
Hiện nay, trên thị trường sách Việt Nam không chỉ riêng Đông A là công ty "độ" bìa sách lớn nhất mà còn có nhiều công ty sách khác cũng thực hiện việc "độ" bìa sách để kinh doanh, với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Hy vọng, các nhà xuất bản bán giấy phép cho các công ty đó và Cục Xuất bản với tư cách là cơ quan quản lý sẽ sớm kiểm tra làm rõ việc này để Công ty Đông A và các công ty khác có thể mang đến cho bạn đọc những cuốn sách đẹp, giá trị với giá cả phải chăng và hoàn toàn đúng luật.