5 tập đoàn công nghệ của Mỹ là Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta và Microsoft, cùng ByteDance của Trung Quốc sẽ đối mặt các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động của Đạo luật thị trường số (DMA).
DMA cấm các công ty công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh với họ. Mục đích của DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các “ông lớn” công nghệ không thể bóp méo sự cạnh tranh trên các thị trường mới.
Các ứng dụng và dịch vụ trên phải tuân thủ đầy đủ DMA vào ngày 6/3/2024. Một ứng dụng được coi là "người gác cổng" khi có trên 45 triệu người dùng mỗi tháng và trên 10.000 người dùng là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm. Một tập đoàn sẽ bị phạt đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh nghiêm ngặt nhất và thậm chí đến 20% nếu tái phạm.
EC đã nêu tên 22 ứng dụng "nền tảng cốt lõi" thuộc sáu “gã khổng lồ” công nghệ này, trong đó có App Store của Apple, Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; ứng dụng video YouTube và trình duyệt web Chrome của Google cũng như Safari của Apple. Các dịch vụ khác là các hệ điều hành mà Apple, Microsoft và Google sử dụng cũng như Google Maps, Play và Shopping của Alphabet.
Ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, khối này đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà các nền tảng trực tuyến không còn có thể tự đặt ra quy định của riêng mình. Ông Breton cho rằng quy định mới sẽ hạn chế lợi thế kinh tế của các ứng dụng là "người gác cổng", mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn hơn và tạo ra các cơ hội mới cho các công ty công nghệ đổi mới có quy mô nhỏ hơn.
Về phía mình, Meta cho biết sẽ chấm dứt việc hướng các quảng cáo đến đối tượng thanh thiếu niên dựa vào hoạt động của họ trên Facebook và Instagram. Còn ByteDance cho biết sẽ cho phép người dùng báo cáo các nội dung vi phạm.
Nhiều bộ ban ngành trong Chính phủ Mỹ, trong đó có Bộ Thương mại, đã bước đầu lên tiếng phản đối các quy định trên của EU vì cho rằng chúng nhắm đến các công ty Mỹ một cách không công bằng. Nhưng các nhà lập pháp của Mỹ cũng đã đề xuất những dự luật có nội dung tương tự với DMA.
Các dự luật này bao gồm các điều luật cấm các công ty lớn sử dụng nền tảng của mình để quảng bá cho chính các sản phẩm của mình. Các biện pháp khác còn đảm bảo người dùng điện thoại thông minh (smartphone) có thể tải các ứng dụng từ các cửa hàng trực tuyến thay thế. Nhưng cho đến nay, hầu hết các nỗ lực quản lý các công ty công nghệ lớn ở cấp liên bang đều chưa đem lại kết quả đáng kể.
Trước đó, ngày 25/8 Đạo luật Dịch vụ số (DSA) có hiệu lực. Đặt ra những quy định về nội dung đối với các nền tảng mạng xã hội, các thị trường trực tuyến và các cửa hàng ứng dụng. Đạo luật này buộc chủ sở hữu các nền tảng này phải hạn chế các thông tin sai lệch và các nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, các nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các đồ chơi không an toàn.
Với DSA, chính phủ các quốc gia sẽ có nhiều quyền hơn để buộc các công ty công nghệ lớn dỡ bỏ các nội dung trái phép. Các công ty công nghệ còn có nghĩa vụ nộp các bản đánh giá rủi ro lên Ủy ban châu Âu (EC), trong đó trình bày rõ họ đang giảm thiểu ảnh hưởng của các nội dung độc hại như thế nào.
Nếu EC nhận thấy rằng các công ty công nghệ đã không có đủ các biện pháp ngăn chặn các nội dung độc hại, các công ty này có thể bị yêu cầu phải thay đổi thuật toán quyết định nội dung mà người dùng có thể nhìn thấy. Nếu không tuân thủ DSA, các công ty có thể bị phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm.
Quyền ngăn chặn thông tin sai lệch còn được tăng cường trong các thời điểm khủng hoảng như xung đột hay đại dịch. EC sẽ quyết định những yếu tố cấu thành nên một nội dung độc hại. DSA cũng cấm các quảng cáo hướng đến đối tượng trẻ em – một nguồn doanh thu đáng kể đối với các công ty mẹ của Facebook và Google.