Sáng 3/6, Hội thảo công bố “Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2020” được tổ chức dưới sự chủ trì của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), phát biểu khai mạc Hội thảo: “Ngày nay, cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đóng vài trò đảm bảo cho sự phát triển kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Báo cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra hệ thống các thông lệ trong các cấp quản lý ngân sách ở Việt Nam, dần tiến tới thông lệ quốc tế trong chi tiêu công, dựa trên 4 trụ cột của quản lý ngân sách hiện đại: tính minh bạch, tính giải trình, tính tiên liệu, và sự tham gia của người dân”.
GS. TS. Vũ Sỹ Cường, đại diện Nhóm Nghiên cứu cho biết: Điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 điểm trên tổng số 100 điểm, tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019. Năm 2020, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 3 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 29 tỉnh, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 5 và 2 tỉnh, giảm lần lượt 4 và 1 tỉnh so với năm 2019.
Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. Đà Nẵng xếp thứ hai với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ ba với 90,45 điểm. Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm). Tỉnh Lạng Sơn năm 2019 đứng áp chót bảng xếp hạng thì năm 2020 đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổ chức Oxfam Việt Nam, phát biểu: “POBI đã trở thành công cụ khuyến khích các tỉnh thành luôn luôn tự cải thiện mình để công khai minh bạch ngân sách, tăng niềm tin từ người dân và hiệu quả quản lý ngân sách”.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP Việt Nam
chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong minh bạch ngân sách cho biết: Việt Nam có sự phân cấp ngân sách rất cao. Như Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm rõ được trên 10% ngân sách cho trong ngành, còn trên 80% là do địa phương quản lý. Nếu chúng ta nắm rõ được vấn đề chi tiêu công ở các địa phương sẽ cho thấy bức tranh công khai, minh bạch rất sáng sủa.
“Tôi đề cao tính minh bạch hơn là công khai. Kinh nghiệm thế giới cho thấy chất lượng của sự minh bạch phụ thuộc nhiều vào chất lượng của thể chế. Chỉ số quản trị công của Việt Nam từ 1996 – 2019 không những không tăng mà thậm chí còn giảm, về mức độ tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình năm 2019 thấp hơn 1996”, ông Trịnh Tiến Dũng nói.
Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện khảo sát về tính liên tục của các tài liệu được công khai. Kết quả khảo sát cho thấy có 49 tỉnh (77,78%) công bố tài liệu dự toán ngân sách tỉnh trình HĐND tỉnh liên tục trong ba năm, 52 tỉnh (82,54%) công bố tài liệu dự toán được HĐND tỉnh quyết định được duyệt liên tục trong ba năm và 51 tỉnh (80,95%) công bố báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh phê chuẩn liên tục trong ba năm.
Mặc dù vậy, kết quả POBI 2020 cho thấy các tỉnh vẫn cần phải nỗ lực để tiếp tục cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách và tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định: “Điểm số POBI của các tỉnh năm đầu tiên chúng tôi thực hiện nhìn chung rất thấp, trung bình cả nước chỉ có 30 điểm thôi (năm 2017). Nghĩa là hầu như không tỉnh nào quan tâm đến việc tuân thủ minh bạch ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách 2015. Tuy nhiên, sang năm tiếp theo, thì có sự cải thiện mạnh mẽ khi các tỉnh nhận ra họ ở vị trí nào ở bảng xếp hạng, điểm số POBI trung bình cả nước tăng vọt lên đến 50 (năm 2018), và tiếp tục lên 65 điểm vào năm 2019. Điều đó cho thấy các tỉnh đều có ý thức cải thiện tính minh bạch ngân sách của mình theo đúng luật Ngân sách cũng như theo sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên đến năm 2020 là năm thứ tư thực hiện xếp hạng thì chúng tôi thấy sự cải thiện về số điểm POBI có dấu hiệu chững lại. Điểm tích cực là nhiều tỉnh trước đây thứ hạng rất thấp, chưa quan tâm thực hiện công khai minh bạch ngân sách thì năm 2020 đã có cải thiện đáng kể. Ngoài ra nhóm điểm cao, nhóm các tỉnh có truyền thống công khai minh bạch ngân sách, tuân thủ luật Ngân sách, thì vẫn giữ được phong độ ổn định.”
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những trao đổi và phản hồi của các Sở Tài chính trong quá trình thực hiện khảo sát POBI 2020. Trong số 46 tỉnh có liên hệ với nhóm nghiên cứu, chúng tôi nhận được phản hồi của 40 tỉnh về kết quả khảo sát. Những phản hồi này cho thấy hiện nay các tỉnh đều đã ý thức rõ về cuộc khảo sát này, và việc tham gia của họ giúp cho kết quả khảo sát được khách quan, khoa học, chính xác và tin cậy”.
Khảo sát POBI 2020 được thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho thấy những hạn chế của báo cáo lần này và đưa ra những khuyến nghị: “Báo cáo vẫn còn những điểm hạn chế khi nặng về tính mô tả tình hình. Sự giải nghĩa những gì nằm sau những con số thống kê chưa được đề cao. Đặc biệt trong báo cáo lần này cần làm rõ hơn những cải thiện về chính sách qua các đánh giá hàng năm. Đồng thời thấy được tác động lan tỏa và ý nghĩa của báo cáo này đối với cải cách thể chế chính sách tầm vĩ mô và quản trị hành chính tại các địa phương”.