Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 17 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế và sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế.
Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban tổ chức chương trình.
Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023. Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.
Theo đó, Top 10 BXH Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2023 gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội; Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam; CTCP Tập Đoàn Hòa Phát; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Tập đoàn Vingroup - CTCP.
Top 10 BXH Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 gồm: CTCP Tập đoàn Hòa Phát; Tập đoàn Vingroup - CTCP; CTCP Đầu tư Thế giới Di động; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji; CTCP Tập đoàn Masan; CTCP Sữa Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam; CTCP Tập đoàn Thành Công; CTCP Tập đoàn Hoa Sen.
Kết quả thống kê từ BXH VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp - Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.
Kết quả còn cho thấy phần lớn các nhóm ngành chính trong BXH có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với BXH năm trước ngoại trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của DN Xây dựng, Thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các DN trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút. Ngược lại, ngành Khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ BXH năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất BXH trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.
Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp xây dựng, thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút.
Ngược lại, ngành khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành tài chính.
Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng.
Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.
Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.
Năm 2023, nhiều thách thức dai dẳng cả trong và ngoài nước đã gây áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Xét giai đoạn 2011-2023, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng của 9 tháng các năm 2020 và 2021 - hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng doanh thu và lợi nhuận đáng kể chiếm chưa đầy 5%.
Nhận định về thời gian tác động của các yếu tố, phần lớn doanh nghiệp cho rằng hơn một nửa những khó khăn trên sẽ giảm dần tác động và có thể cải thiện vào nửa đầu năm 2024. Các yếu tố như bất ổn chính trị toàn cầu, cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm đơn hàng nhiều khả năng kéo dài tới cuối năm sau; trong khi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành được dự báo sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, những động thái hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành ở nhiều lĩnh vực như: Nghị định 12/2023/NĐ-CP, chính sách giảm 2% thuế VAT nửa cuối năm, giảm lãi suất điều hành, Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN…