Hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng Trung Quốc được "hô biến" thành hàng Hàn
Ngày 12/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với cơ quan công an đột kích một cơ sở gia công, phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng Trung gắn nhãn mác Hàn Quốc. Các sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử với giá 45.000 đồng/sản phẩm.
Cơ sở kinh doanh này có địa chỉ tại ô 129, lô 3 khu tái định cư mở rộng Xuân Phương, phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi nhà có 4 tầng, nhưng có tới 3 tầng dùng để chứa sản phẩm và các nguyên phụ liệu liên quan đến kính áp tròng.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm, nguyên liệu không có số đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật. Theo điều tra, sản phẩm kính áp tròng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó nhân viên sẽ bóc, xé nhãn gốc Trung Quốc thay thế bằng nhãn mác tự thiết kế, “phù phép” sản phẩm thành hàng “ Made in Korea”.
Cơ sở kinh doanh này chỉ dùng 2 máy dán nhãn thô sơ nhưng trong vài phút đã "thay tên đổi họ" được cho hàng chục sản phẩm kính mắt áp tròng Trung Quốc.
Nhân viên bán hàng tại cơ sở thừa nhận thường tư vấn cho khách hàng các sản phẩm là hàng Hàn Quốc nhằm tăng uy tín, dễ bán được nhiều hàng hơn, bởi tâm lý khách hàng không thích hàng Trung Quốc. Cũng theo nhân viên bán hàng, hàng hoá tại đây được phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có những nơi đổ buôn, có những chỗ bán lẻ. Kênh tiêu thụ chính của cơ sở này là trên sàn thương mại điện tử được bán với giá 45.000đồng/sản phẩm. Số lượng bán ít nhất 30 khách hàng chốt đơn, đặt hàng mỗi ngày.
Theo ông Phan Thanh Hà, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 cho biết, nếu nhận thấy có dấu hiệu hình sự, lực lượng QLTT sẽ chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.
Thay đổi bao bì, biến kẹo không rõ nguồn gốc thành kẹo xuất xứ Nhật Bản
Chiều 16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng kẹo không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được sang bao, đóng gói, ghi nhãn xuất xứ Nhật Bản.
Theo đó, Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 4 – Phòng cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội đột kích cơ sở sang bao, đóng gói hàng hóa do ông Tạ Tương Quân làm chủ, ở địa chỉ số 178, đường Nam Ngãi Cầu, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, trong khu xưởng, hơn chục công nhân đang trực tiếp đóng gói những túi kẹo thành phẩm giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Vì đã quá quen với công việc hàng ngày nên mọi thao tác diễn ra thuần thục. Chỉ sau vài phút, những gói kẹo được gắn mác sản xuất tại Nhật Bản đã được ra lò.
Tiếp tục kiểm tra kho hàng tại địa chỉ Ngõ 1057, đường 72, thuộc thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 40 thùng kẹo dẻo Chip Tom and Jerry được đựng trong túi nilon. Mặc dù nhãn mác ghi sản xuất tại Nhà máy Tân Hùng Thái, địa chỉ: Cụm công nghiệp An Phát, Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội nhưng đang được cơ sở này sang bao, đóng gói thành hàng hoá có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài mang nhãn hiệu Adorable.
Ông Đặng Ngọc Huân, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết ngoài số hàng hóa này, đoàn kiểm tra còn thu giữ nhiều phương tiện phục vụ sang bao, đóng gói sản phẩm như: máy dán miệng túi, máy dập date, hàng nghìn thùng caton cùng hàng chục ngàn vỏ túi nilon in hình, chữ thể hiện là kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản.
100 kg bột ngọt giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto
Ngày 10/06/2022, Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện đối tượng bày bán bột ngọt bên lề đường thuộc địa bàn ấp Đức Hạnh 1, huyện Đức Hòa. Qua kiểm tra, đối tượng đang bán bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto của Công ty Ajinomoto Việt Nam có dấu hiệu vi phạm. Đội QLTT số 1 tạm giữ 168 gói loại 454g bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto và 51 gói loại 1kg cũng nhãn hiệu Ajinomoto.
Đội QLTT số 1 đã làm việc với phía đại diện của Công ty Ajinomoto Việt Nam, ngày 16/06/2022, phía Công ty Ajinomoto Việt Nam, có văn bản xác nhận số lượng bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto do Đội QLTT số 1 tạm giữ là loại bột ngọt giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto. Số lượng 168 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g và 51 gói loại 1kg do Đội QLTT số 1 tạm giữ không phải do Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất.
San chiết, đóng gói bột giặt giả mạo nhãn hiệu OMO
Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an TP. Vĩnh Long và Công an Phường 4, TP. Vĩnh Long tiến hành kiểm tra đối với điểm sản xuất, kinh doanh bột giặt OMO tại địa chỉ số 64/7, đường Phó Cơ Điều, Phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, do ông Trần Hoài Hận, sinh năm 1981 làm chủ.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện dấu hiệu san chiết, đóng gói bột giặt giả mạo nhãn hiệu OMO. Tại hiện trường có các loại tang vật, phương tiện gồm: 170 gói bột giặt OMO thành phẩm loại 400g/gói; 42 gói bột giặt hiệu Surf loại 5,5kg; 01 máy ép bao bì hiệu Tân Thanh, model M5, do Việt Nam sản xuất; 2.450 đơn vị bao bì hiệu OMO các loại; 488 cái vỏ thùng giấy carton hiệu OMO các loại; 33 đơn vị bao bì hiệu Surf, loại 5,5kg đã cắt bao bì để sử dụng cho việc san chiết, đóng gói.
Qua làm việc bước đầu ông Hận đã thừa nhận thuê nhà tại địa chỉ số 64/7, đường Phó Cơ Điều, phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long để sản xuất bột giặt OMO từ tháng 2/2022 đến nay, ông Hận mua bao bì OMO các loại từ người bạn giới thiệu ở Tp.Hồ Chí Minh về để san, chiết, đóng gói từ bột giặt hiệu Surf loại 5,5kg sau đó dùng máy ép, ép miệng bao bì lại thành phẩm bán ra thị trường, số lượng 170 gói bột giặt hiệu OMO thành phẩm.