Nghiên cứu robot siêu nhỏ này được thực hiện bởi Giáo sư Liangfang Zhang và các cộng sự của ông tại Đại học California San Diego. Họ đã cắt các sợi nano vàng cực nhỏ, rồi sử dụng một quy trình hóa học để phủ lên bên ngoài chúng một lớp màng lai kết hợp của tiểu cầu và hồng cầu. Sau đó, các con robot dạng hình sợi này được tiêm vào mạch máu và cung cấp năng lượng để di chuyển bằng siêu âm. Với kích thước chỉ bằng 1/25 lần đường kính sợi tóc, robot có thể di chuyển trong máu với tốc độ 35 micromet/giây.
Suốt quá trình di chuyển trong máu, robot có khả năng bắt các mầm bệnh bằng protein trên bề mặt màng tiểu cầu. Trong khi đó, màng tế bào hồng cầu có thể trung hòa độc tố do vi khuẩn tạo ra. Những con robot này sẽ có nhiệm vụ quét sạch độc tố có hại và cả những siêu vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm như tụ cầu vàng kháng kháng sinh (MRSA).
Hình ảnh từ kính hiển vi cho thấy robot nano đã bắt được một siêu vi khuẩn MRSA
Trong một thử nghiệm với mẫu máu nhiễm siêu vi khuẩn kháng kháng sinh, các nhà nghiên cứu cho biết robot của mình đã bắt được 2/3 lượng tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) chỉ sau 5 phút. Với kết quả này, họ dự định thử nghiệm robot của mình trên động vật trong tương lai gần. Giáo sư Zhang cho biết: “Bằng cách tích hợp các lớp phủ tế bào tự nhiên bên ngoài những cỗ máy nano tổng hợp, chúng tôi có thể tạo ra những chức năng mới cho robot tí hon”.
Đây chỉ là một trong nhiều phát triển công nghệ gần đây sử dụng vàng trong lĩnh vực y học. Các hạt nano vàng đang được sử dụng để điều trị ung thư và giúp chẩn đoán các bệnh khác. Vàng thậm chí có thể giúp phục hồi thị lực. Ngành công nghiệp công nghệ cao ngày càng muốn khai thác tiềm năng của vàng. Mức nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ đã đạt mốc tăng thứ 6 liên tiếp trong quý I/2018. Ngoài ra, vàng cũng cần thiết cho sản xuất máy tính và các thiết bị điện tử khác tạo ra nhu cầu công nghiệp lớn nhất, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 65,3 tấn trong quý I/2018. Thực tế, vàng đang ngày càng được sử dụng nhiều trong công nghệ và công nghiệp.