Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, chỉ tính trong 11 tháng đầu năm nay, hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo do Cục quản lý, vận hành đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến; trong đó có tới trên 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Theo phân tích của các chuyên gia, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ mới như DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023. Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng DeepFake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện. Thống kê cho thấy, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo rằng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xu hướng tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xoay quanh các sự kiện nóng, nổi bật và ứng dụng giả mạo.
Thực tế, hầu hết các hình thức lừa đảo hiện nay đều nhắm đến người dùng điện thoại thông minh. Từ các cuộc gọi rác, tin nhắn rác đến các ứng dụng giả mạo chiếm quyền điện thoại đều diễn ra trên điện thoại. Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, một trong những giải pháp chống lừa đảo hiệu quả là cung cấp ứng dụng chống lừa đảo cho người dân cài trên điện thoại cá nhân.
Nghiên cứu, phát triển và triển khai phần mềm chống lừa đảo nhằm giảm thiểu rủi ro lừa đảo trên internet là một trong những hoạt động quan trọng trong kế hoạch năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Nhiệm vụ này được Ban Thư ký Hiệp hội An ninh mạng quốc gia giao phó, và sẽ được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ & Hợp tác quốc tế và Văn phòng Hiệp hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số, việc chuyển đổi hoạt động lên mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng đồng thời tăng cường các thách thức về an toàn và an ninh mạng, bao gồm cả nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Việc triển khai giải pháp sử dụng ứng dụng chống lừa đảo chính là "dùng công nghệ để đấu lại công nghệ." Theo phân tích của một chuyên gia lâu năm trong ngành, ứng dụng chống lừa đảo có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết hợp với các cơ sở dữ liệu về số điện thoại lừa đảo để phát hiện, cảnh báo cho người dùng khi có cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo gửi đến điện thoại người dùng.
Cùng với đó, ứng dụng chống lừa đảo cũng sẽ hoạt động như một giải pháp giám sát, phát hiện ra các ứng dụng giả mạo, cài từ nguồn không đảm bảo, phát hiện những phần mềm truy cập vào dữ liệu người dùng hay có khả năng theo dõi, nghe lén, điều khiển điện thoại. Nhờ đó người dùng có thể tránh được phần lớn các tấn công lừa đảo hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giải pháp công nghệ sẽ mang tính hỗ trợ, chứ không phải là tất cả. Vì thế, việc tăng cường quản lý, giám sát và xử phạt từ cơ quan quản lý; đồng thời nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dùng Internet là những giải pháp quan trọng.
Trên thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục An toàn Thông tin đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm cả những giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và các biện pháp kỹ thuật, để góp phần từng bước đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam.
Để bảo vệ người dân trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, có kết nối, tích hợp với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm, các giải pháp an toàn thông tin mạng và hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia.
Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, các hệ thống kỹ thuật đã chặn 3.369 website vi phạm, trong đó có 972 website lừa đảo; nhờ vậy, đã bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.
Trong năm 2024, ngoài việc thúc đẩy mạnh mẽ các chiến dịch tuyên truyền, Cục An toàn Thông tin cũng sẽ khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng tối đa các hệ thống thông tin cơ sở, các Tổ Công nghệ Số cộng đồng để tuyên truyền nhận thức, kỹ năng cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, từ đó giúp họ phòng tránh việc bị lừa đảo trên không gian mạng.