Việt Nam đang chứng tỏ vị thế là một điểm sáng trong bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Với chiến lược phát triển và quản lý dựa trên rủi ro, Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy AI phục vụ con người, đảm bảo an toàn và tạo ra sự phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Oxford Insights, Việt Nam đã đạt vị trí 59 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023", xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam vượt mức trung bình toàn cầu, minh chứng cho những nỗ lực đáng kể của Chính phủ và doanh nghiệp.
Sự tham gia mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, CMC, VNPT, Mobiphone... không chỉ thúc đẩy các thành tựu nghiên cứu ứng dụng mà còn xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái AI phát triển. Việt Nam hiện sở hữu nguồn nhân lực tiềm năng, các chính sách hỗ trợ tích cực và sự hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm công nghệ trong khu vực.
Bên cạnh những lợi ích to lớn mà AI mang lại, công nghệ này cũng đặt ra không ít rủi ro đối với xã hội, từ vấn đề quyền riêng tư, đạo đức đến nguy cơ mất kiểm soát thuật toán. Để đối phó với những thách thức này, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số của Việt Nam đã dành riêng một chương cho trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh vào việc quản lý rủi ro và khuyến khích sử dụng AI một cách có trách nhiệm.
Dự thảo đề xuất các nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền riêng tư và tăng cường trách nhiệm giải trình. Các quy định cũng bao gồm việc gắn nhãn sản phẩm công nghệ số do AI tạo ra, kiểm soát quy trình phát triển và sử dụng hệ thống AI, đồng thời thử nghiệm sản phẩm trong môi trường có kiểm soát.
Để tạo nền tảng pháp lý mạnh mẽ, dự thảo Luật còn giới thiệu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số. Đây được coi là bước tiến đột phá, không chỉ bảo vệ quyền lợi người dùng mà còn thúc đẩy ngành công nghệ số, đặc biệt là AI, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong bối cảnh thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu dự kiến đạt 826,7 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm 28,46% (theo Statista), Việt Nam đang cho thấy sự quyết tâm và tầm nhìn dài hạn để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.