Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn. Hơn 70% dân số dùng internet, có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.
Trong Ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp dịch Covid - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở nước ta trong năm nay có thể chạm ngưỡng 60 triệu người. Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Có thể kể đến những rủi ro như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; hoặc bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng: khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử.
Trong khi đó, chính sách pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành 12 năm trước, đang thiếu vắng những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được điều chỉnh.
Theo bà Lại Việt Anh, dữ liệu nói chung và dữ liệu về người tiêu dùng nói riêng đang là nguồn tài nguyên cực lớn của quốc gia. Những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Hình sự, … nhưng chỉ đang tiếp cận ở quyền riêng tư của công dân.
Hiện chưa có quy định mang tính toàn diện, chưa nhìn từ góc độ quyền của người tiêu dùng, góc độ tài sản trong kinh doanh thương mại. Vì vậy, nên có những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân nhìn từ góc độ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.
Về mặt chính sách, vấn đề này đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu liên quan đến thương mại điện tử, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ....
Tuy nhiên, điều đáng mừng, ông Trịnh Anh Tuấn thông tin, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Dự thảo cũng bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó tập trung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể như “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số” và “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.
Đồng thời, ông Trịnh Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm hay trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được chú trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi lợi dụng thời điểm cuối năm hay đại dịch COVID-19 để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.