Thời gian qua, trong tình hình dịch bệnh, xu thế áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc kinh doanh thương mại điện tử đã và đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa nói chung.
Đáng chú ý, việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa/lưu hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.
"Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, đối với hàng hóa được kinh doanh, bán hàng theo hình thức thương mại điện tử như trên cũng cần được xem xét, nghiên cứu, bổ sung các quy định, chế tài để triển khai", Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh.
Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, thay thế cho các thông tư hiện hành đã áp dụng nhiều năm, bộc lộ một số nội dung thiếu tính khả thi hoặc chưa được quy định trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh.
Nhằm thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung quy định về hàng hóa lưu thông bao gồm cả hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Dự thảo thông tư đã bổ sung quy định hàng hóa lưu thông trên thị trường "bao gồm cả hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử". Đồng thời, ngoài kiểm tra theo quy định, người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.
Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi ảnh hưởng, hậu quả của lô hàng không phù hợp về chất lượng, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ nơi bán hàng, tên trang thương mại điện tử đăng ký bán hàng, tên hàng hóa...
Tại dự thảo, phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa gồm kiểm tra theo kế hoạch hàng năm được người có thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm tra theo kế hoạch này không cần báo trước và kiểm tra đột xuất. Căn cứ để quyết định kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa gồm: Theo yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khiếu nại, tố cáo về chất lượng; thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài; kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa. Một trong những nội dung kiểm tra chất lượng là thông tin về hàng hóa: Kiểm tra nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật; tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy thể hiện trên hàng hóa; mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; các thông tin khác liên quan đến chất lượng thể hiện trên hàng hóa. Về chất lượng, kiểm tra điều kiện bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc trên nhãn hàng hóa; sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tài liệu kèm theo... Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định...