Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều ngành nghề kinh doanh bị tê liệt, hàng triệu doanh nghiệp bị phá sản và hàng trăm triệu người mất việc làm.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ đang làm thay đổi nhiều ngành nghề, phương thức và hành vi kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành trật tự kinh tế mới với những nguyên tắc, nguyên lý và lực đẩy mới.
Những thay đổi nói trên của thế giới đòi hỏi Chính phủ các nước phải hành động nhanh chóng và quyết liệt vì một tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt, sự đan xen giữa thách thức và cơ hội, của những vận động trái chiều về rủi ro, thất bại và khả năng hưởng lợi từ các ngành nghề kinh doanh trong thời kỳ mới, đang buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt, lựa chọn để tái cơ cấu, chuyển đổi chiến lược kinh doanh nếu không muốn bị đào thải.
Trong bối cảnh đó, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn với sự phối hợp của Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
Hội thảo nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới dưới tác động của đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo triển vọng kinh doanh của các ngành nghề, đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua thách thức phát triển bền vững.
5 hệ lụy từ các mối đe dọa phi truyền thống
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ ra 5 hệ lụy từ các mối đe dọa phi truyền thống đối với thế giới hiện nay.
Theo nguyên Phó Thủ tướng hệ lụy thứ nhất làquá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực. Nó sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy môvà mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.
Hệ lụy thứ hai là tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này nếu tính rằng, thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.
Hơn nữa kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: trong khi một số sản phẩm như nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do “cầu” giảm vì thu nhập của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể.
Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…
Hơn nữa, khi rơi vào đúng thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên vô hình trung càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ…
Và cuối cùng, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đại dịch đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP – 26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới.
Trong bối cảnh này, ông cho rằng nước ta cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt. Theo đó chương trình tổng thể đang được Chính phủ xây dựng cần rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau.
“Việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người. Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này”, nguyên Phó Thủ tướng khuyến nghị.
Áp dụng mô hình 5R để doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch
Đề cập tới tác động của COVID-19 đến các ngành kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng có 8 xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch gồm: Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thay đổi; Phục hồi phát triển kinh tế xanh; tốc độ phục hồi không đồng đều, biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng qua các gói hỗ trợ, định hướng, hợp tác quốc tế; Xúc tác chuyển đổi số; thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.
"Dịch COVID-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, những doanh nghiệp nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế", TS Cấn Văn Lực nói.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, có ngành làm ăn rất tốt như kinh doanh trực tuyến, y tế hay bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán nhưng cũng có ngành khó khăn như du lịch, bán lẻ, dệt may. Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng và sản xuất phục hồi nhanh hơn lĩnh vực dịch vụ. Các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm – dịch vụ mới trên nền tảng số xuất hiện nhiều hơn. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là cơ hội cho các ngành xây dựng, bất động sản…
Theo TS Cấn Văn Lực, dịch bệnh cũng sẽ gây ra nhiều rủi ro, thách thức như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, liên kết chính trị thay đổi; Rủi ro an ninh mạng; thiếu hụt lao động ngắn hạn…
Về phía doanh nghiệp, ông cho rằng doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong dòng tiền, chi phí tăng trong khi giá đầu ra khó tăng; mất đơn hàng trong bối cảnh hậu đại dịch…
"Để phục hồi nhanh sau đại dịch, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng", TS Cấn Văn Lực kiến nghị (5R: Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience).
Cân bằng giữa rủi ro và cơ hội
Để thích ứng, an toàn và hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện mới, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đúc kết, có 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ: Đặt nền móng, bảo toàn và thúc đẩy doanh thu, giảm và quản lý chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn.
Từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo kiên tâm với những hành động chủ chốt trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi và tái sản xuất để phát triển trở lại; đồng thời không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan để tạo bệ đỡ vững chắc hơn cho sự phát triển lâu dài.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) rất đồng tình với quan điểm của bà Thanh về việc nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng vấn đề quản trị rủi ro. Riêng với ngành dệt 32% là doanh nghiệp FDI và 68% doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI có các giải pháp về chống rủi ro, chống khủng hoảng nên khi xảy ra sự cố họ đã chống đỡ tốt. Còn doanh nghiệp Việt chỉ có 4% làm được như vậy. Chỉ những doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mới chú trọng vấn đề này.
Do đó, ông khuyến nghị, cần tổng hợp kiến nghị trình Chính phủ về định hướng lĩnh vực công nghiệp trong đó có công nghiệp y tế; Chính phủ nên hoạch định chiến lược các sản phẩm tái tạo; xây dựng chiến lược xanh hóa để bắt kịp xu thế thế giới; các chính sách cho người lao động và quản trị số cần hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng phát triển trong tương lai...