Theo các chuyên gia thương mại, năm 2018 là thời điểm vàng của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khi đa số người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 đạt 130 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm khoảng 4 tỷ USD, tương đương khoảng 3%. Trong khi TMĐT của Trung Quốc chiếm hơn 20% của tổng thị trường bán lẻ, Indonesia là 5 -6%, thì con số này ở Việt Nam chỉ mới là 3%. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn và sẽ có những điểm đột phá trong những năm tới khi các dịch vụ vận chuyển, uy tín người bán và nhận biết của người dân về TMĐT ngày càng được nâng cao.
Năm 2019, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức với chủ đề "Bứt phá giới hạn" đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh trực tuyến.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương) đã công bố chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2019. Chỉ số thương mại điện tử hàng năm được tổng hợp từ bốn nhóm chỉ số thành phần làm trụ cột lần lượt là: hạ tầng nguồn nhân lực và CNTT (chiếm 20%), giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng B2C (chiếm 35%), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B ( chiếm 35%) và chỉ số thành phần giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (chiếm 10%). Các trọng số điểm này phản ánh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2019 (là năm 2018) chỉ số thương mại điện tử của Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với tổng điểm là 86,8 điểm tăng 4,7 điểm so với năm 2018. Đặc biệt điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của Chỉ số TMĐT trong cả nước (40,3) và cao hơn tới gần 60 điểm so với đại phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm).
Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm vào cao hơn 4,5 điểm so với năm trước. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Hải Phòng vươn lên đứng ở vị trí top 3 cả nước về Chỉ số TMĐT, hai vị trí tiếp sau đó là Đà Nẵng và Bình Dương.
Năm 2018 cũng đánh dấu nhiều về sự phát triển của TMĐT như về quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng đầu tư,… tuy nhiên có lẽ sự phát triển này vẫn đa số năm ở nhóm địa phương phát triển mà điển hình là 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thử thách lớn đối với TMĐT Việt Nam.
Sau 8 năm liên tiếp, EBI đã trở thành nguồn thông tin tin cậy phản ánh tình hình hiện tại, những vấn đề nổi bật và xu hướng phát triển của thương mại điện tử cả nước cũng như từng địa phương, góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh.
Dựa trên EBI 2019, VECOM đã đề xuất triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 - 2025. Giai đoạn một của Chương trình này được triển khai trong 2 năm 2019 - 2020, sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ một số ngành hàng ở các địa phương kinh doanh trực tuyến thành công như: sản phẩm dừa ở Bến Tre, tre ở Thanh Hóa và Nghệ An…
Bên cạnh đó, diễn đàn còn diễn ra 4 phiên thảo luận với các chủ đề khác nhau. Chủ đề thứ nhất, “Bùng nổ mua sắm online”, sẽ thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử mở rộng mạnh mẽ.
Chủ đề thứ hai, “Thời gian là vàng”, sẽ bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian tính bằng giờ.
Chủ đề thứ ba, “Sự nổi lên của AI”, là cơ hội để trao đổi về tác động của công nghệ tới mọi doanh nghiệp, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).
Chủ đề thứ tư, “Vốn hay ý tưởng”, sẽ giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là yếu tố quyết định trong cuộc phiêu lưu vào cuộc chơi nhiều rủi ro nhưng cũng đầy cơ hội để trở thành những “kỳ lân” mới của Việt Nam.
Diễn đàn năm nay quy tụ nhiều diễn giả đến từ các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu về thương mại điện tử trong nước thế giới tham dự như Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Facebook, Tiktok, Sapo, Lazada, Mắt Bão, Shopee, Nielsen, Grab, EMS… hứa hẹn sẽ đem đến nhiều giá trị thiết thực cũng như bức tranh toàn diện về ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số.