Tại Hà Nội, cơ quan Thương mại và Đầu tư chính phủ Australia (Austrade) đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Hợp tác đào tạo ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam – Australia 2018 nhằm giới thiệu năng lực của 7 cơ sở đào tạo hàng đầu Australia trong lĩnh vực CNTT.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Yvonne Chan, Phó Tổng Lãnh sự phụ trách Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể đối với kinh tế, xã hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ Australia sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả ứng phó với cuộc cách mạng này.
Ảnh 1: Bà Yvonne Chan, Phó Tổng Lãnh sự phụ trách Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Australia vốn được biết đến với chất lượng giáo dục và đào tạo, năng lực nghiên cứu cao, nền kinh tế “số” tiên tiến và cam kết mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo thông qua Chương trình Đổi mới sáng tạo và khoa học Quốc gia. Với sự “xâm nhập” sâu rộng của kĩ thuật số trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam, ngành công nghệ thông tin (IT) trở thành ngành phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển phần cứng, phần mềm, thương mại điện tử và dịch vụ CNTT.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho hay, Hội thảo hợp tác đào tạo là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước ở lĩnh vực ICT, hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Australia. Theo Thứ trưởng Phan Tâm, hiện nay Việt Nam có 250 trường đại học, cao đẳng và 164 trường dạy nghề có đào tạo CNTT với số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 68.000 sinh viên, 18.000 học viên nghề, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở đào tạo chuẩn kỹ năng CNTT. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Việt Nam cần phải tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo chuyên sâu về CNTT và truyền thông để đào tạo ra thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi trong kỷ nguyên 4.0.
Ảnh 2: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu khai mạc buổi hội thảo.
Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực ngành IT trong thời gian từ năm 2016 – 2020. Là một phần của Chương trình Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ 2011 – 2020, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng tăng số lượng kỹ sư có tay nghề, tổ chức nghiên cứu, vườn ươm khởi nghiệp về công nghệ cao và các doanh nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ phát triển ngành IT.
Một trong những điểm sáng của sự kiện là phiên tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp sáng tạo cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại số ở Việt Nam”. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực cho gia công phần mềm, nhu cầu nhân lực thuộc lĩnh vực Blockchain cũng hết sức nóng bỏng trong năm 2018. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là nơi có nhu cầu nhân lực CNTT lớn, đòi hỏi người có kinh nghiệm rất cao, các doanh nghiệp ICT vừa và nhỏ tìm kiếm nhân lực cho doanh nghiệp mình rất khó khăn. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường chọn các doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Samsung, điều này đặt ra bài toán về nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các đại biểu dự đã được nghe và thảo luận một số nội dung trọng tâm của lĩnh vực công nghệ thông tin như: Cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh hưởng đối với việc phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin-truyền thông ở Việt Nam; Nhu cầu đào tạo ngành Công nghệ thông tin và truyền thông: Các ưu tiên và thách thức của Việt Nam; Các giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số tại Việt Nam. Tiếp đó là phần giao lưu trực tiếp giữa các đối tác Việt Nam và 7 cơ sở đào tạo hàng đầu Australia trong lĩnh vực CNTT.