Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung khai thác trong vô số những vấn đề kinh tế đang diễn ra. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 sẽ được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…
Ngoài sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, học giả nổi tiếng còn có sự tham gia và chủ trì của các chính khách để tiếp nhận, chia sẻ và tìm tiếng nói chung giúp đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, bền vững và thịnh vượng trong tương lai, như đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nếu như hai Diễn đàn lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt thu hút khoảng 850 và 1.500 đại biểu tham dự, thì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên Hội thảo chuyên đề và Đối thoại chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 không chỉ là kênh đối thoại thường niên về chính sách, cho Chính phủ cơ hội lắng nghe hiến kế từ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, mà Diễn đàn này, sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt cho người dân, doanh nghiệp khí thế bước vào năm mới, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để thực sự tạo ra được sự bứt phá cho nền kinh tế vươn lên.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước.
Các chuỗi sự kiện quan trọng:
Đầu tiên, Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều 17/1/2019) với sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự tham dự, phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Các đại biểu có những bài trình bày quan trọng về kinh tế Việt Nam năm 2018, triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn; định hướng phát triển nền kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam; xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trong tình hình mới và tăng cường cạnh tranh, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Hai là, hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” (ngày 16-17/1/2019) do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với IMF tổ chức.
Ba là, hội thảo chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” (sáng 17/1/2019) do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương, các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE tổ chức.
Bên lề Hội thảo có triển lãm chuyên đề “Công nghệ năng lượng hướng tới phát triển bền vững” với 10 đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh,... trong phát triển công nghiệp năng lượng như như EVN, Siemens, ABB, SolarBK, TokyoGas, Intel, CocaCola,... Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và đang đứng trước nhiều nguy cơ về bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.
Bốn là hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” (sáng 17/1/2019) do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương và cơ quan, tổ chức ở trong nước và ngoài nước tổ chức.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm.