Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh phần mềm và tạo tài khoản nghiệp vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho 63 sở giao thông vận tải để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe; nâng cấp phần mềm trên Cổng dịch vụ công quốc gia để kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành vào ngày 14/11 để đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe áp dụng trên toàn quốc.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở giao thông vận tải chỉ đạo phòng chuyên môn tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 14/11.
Rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tại địa phương.
Cùng với đó, các sở giao thông vận tải báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo thông tin, truyền thông về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe; chỉ đạo sở y tế phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp, kết nối dữ liệu khám sức khỏe của người lái; chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các phòng công chứng chứng thực cấp và gửi bản sao điện tử giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 1/7/2020. Từ tháng 9/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mở rộng thí điểm tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Quy trình tổng quát các bước đăng ký đổi GPLX như sau:
1. Đăng ký trực tuyến
Chức năng này cho phép công dân có thể đăng ký đổi GPLX trực tuyến bằng cách nhập theo đúng biểu mẫu và gửi đi. Nếu đăng ký thành công, công dân sẽ nhận được một mã xác thực. Mã xác thực này được dùng để xác thực khi sửa hoặc gửi hồ sơ.
2. Gửi hồ sơ
Chức năng này cho phép người dùng gửi hồ sơ đã đăng ký lên cơ quan xử lý.
3. Sửa lại hồ sơ không hợp lệ
Chức năng này cho phép công dân có thể sửa lại thông tin hồ sơ. (Chỉ sửa được đối với những hồ sơ đã đăng ký nhưng chưa gửi hoặc hồ sơ đã bị từ chối do không hợp lệ).
4. Đến nơi tiếp nhận làm thủ tục
Sau khi hồ sơ đăng ký trực tuyến (online) đổi GPLX đã được duyệt, người đăng ký đổi GPLX trực tuyến sẽ nhận được email hoặc tin nhắn điện thoại, thông báo cụ thể thời gian và địa điểm đến giải quyết. Thành phần hồ sơ khi mang đến bộ phận tiếp nhận đổi GPLX gồm:
- Bản gốc GPLX và Chứng minh thư hoặc Hộ chiếu hiện có (đã đăng ký).
- Giấy chứng nhận sức khỏe phù hợp với GPLX được đổi do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (theo Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT).
Theo Thông tư 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, từ 15/02/2015, người có GPLX các hạng A1, A2, A3, A4, GPLX ô tô còn hạn sử dụng trên 3 tháng sẽ được miễn Giấy khám sức khỏe khi đổi GPLX từ bằng giấy bìa sang vật liệu PET.
- Lệ phí cấp giấy phép lái xe bằng vật liệu PET: 135.000 đồng/lần.
5. Tra cứu tình trạng tiếp nhận hồ sơ
Chức năng này cho phép công dân tra cứu hồ sơ của mình để theo dõi trạng thái hồ sơ đã được xử lý hay chưa, bằng cách tìm tìm kiếm theo Mã hồ sơ và Số điện thoại đã đăng ký.