Sự kiện nhằm tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư; đồng thời, tiếp cận các thành viên cao cấp của một trong những tổ chức lớn đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch CACCI là ông Jemal Inaishvili dẫn đoàn gồm hơn 30 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của các nước thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực như dệt, may mặc, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, phân phối, chế biến thực phẩm, dược phẩm, hoá chất, phân phối sản phẩm công nghiệp, xây dựng, IT và du lịch... đến từ Australia, Ấn Độ, Nepal, Đài Loan (Trung Quốc)... đã tham gia sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Ông Jemal Inaishvili, Chủ tịch CACCI cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ bên cạnh chủ nghĩa bảo hộ đang lên tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, việc liên kết giữa các phòng thương mại và doanh nghiệp khối châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần tăng sức mạnh và gia tăng cơ hội hợp tác kinh doanh, từ đó xây dựng nền kinh tế các nước khu vực phát triển và nâng cao GDP.
"Việt Nam hiện là nước sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Bên cạnh đó, những thành quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với những bước tiến quan trọng trong phát triển nền kinh tế nhiều năm qua đã chứng tỏ những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng. Điều này giúp các nhà đầu tư trong nước an tâm và tăng cường kinh doanh tại Việt Nam", ông Jermal nói.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI - cho biết: "Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lớn thế giới với sự hội tụ của nhiều cường quốc như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ... Việc hợp tác với CACCI sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường lớn và tiếp cận nhanh chóng với các doanh nghiệp là thành viên của CACCI trong các ngành may mặc".
Bên cạnh đó, theo ông Khương, hiện nay VCCI đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động hội nhập khác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có CACCI để hướng tới một môi trường hợp tác thịnh vượng hơn, phát triển hơn, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung trên trường quốc tế.
Liên đoàn các phòng thương mại và Công nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương (CACCI) hiện là hiệp hội bao gồm các phòng Thương mại và Công nghiệp của 24 quốc gia trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Đây là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1966, CACCI hoạt động như một diễn đàn nhằm xúc tiến hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế trong khu vực.
Từ sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết, sự bắt tay hợp tác với các nền kinh tế lớn và với thị trường hầu như không giới hạn, giúp doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý, quản trị... Nhờ đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung được nâng cao.
Sự kiện kết nối doanh nghiệp và các thành viên Liên đoàn các Phòng Thương mại châu Á - Thái Bình Dương sẽ mở ra "cánh cửa" hợp tác sâu và rộng trên toàn khu vực. Chủ tịch Jemal Inaishvili bày tỏ mong muốn mời VCCI và đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh CACCI vào cuối năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ.