Khoảng 15 năm về trước có ý kiến cho rằng doanh nghiệp chế tạo Việt Nam không sản xuất được một con ốc vít thì đến nay đã có rất nhiều những chi tiết máy hiện đại đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp nổi tiếng như Samsung, Canon, Panasonic... và xuất khẩu hàng đi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... thế nhưng chừng ấy là chưa đủ. Bởi theo nghiên cứu của JETRO, chỉ so sánh tỷ lệ linh kiện nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại một số nước thì Việt Nam còn kém xa.
Ông Kigatawa – Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng Đại diện tại Hà Nội cho biết
Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại.
Hằng năm JETRO đều tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu.
Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là“tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp” .
Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36.3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “Ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.
Nếu nhìn từ góc độ khác, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.
Quan điểm của Bộ Công Thương về những chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp ngành chế tạo Việt Nam:
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết trong một cuộc triển lãm công nghiệp phụ trợ diễn ra gần đây: “Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.”
Nhìn chung tại các quốc gia Đông Nam Á đang trên đà phát triển, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Nhằm hỗ trợ nhóm này, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), quyết định thực hiện Dự án Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu đôla. Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua giữa các DNNVV và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như USAID, để khu vực các DNNVV phát triển bền vững, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ những rào cản, cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ, nổi bật là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. Các DNNVV nên tích cực tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có cùng các chính sách để tạo ra một đòn bẩy giúp tăng cường vị thế ngành sản xuất trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể thấy được những chính sách của nhà nước đã ngày một hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp ngành phụ trợ thế nhưng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Hy vọng những năm tới, các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam sẽ đóng góp được tỷ lệ cao hơn đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Nhật Bản.