Cuộc gặp do Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Sự kiện hôm nay một mặt thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, thể hiện tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều DN đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chủ tịch VCCI bày tỏ, chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, DN vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), đánh giá: Trong hai năm qua, đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết của các giai tầng trong xã hội trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC bày tỏ tri ân các lực lượng tuyến đầu ngày đêm quên mình, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc, đồng lòng của người dân trong phòng chống dịch. Người dân và doanh nghiệp rất tin tưởng vào chiến lược chống dịch của Chính phủ. Cho biết ngành công nghệ thông tin đã có nhiều đóng góp vào phòng chống dịch và vẫn có tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021, ông Chính khẳng định công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu COVID-19. Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Ông Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết: Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân.
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp cho việc kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.
Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng là triết lý chưa bao giờ thay đổi của Viettel, đi cùng nhau không chỉ để đi thật xa, mà phải đi thật nhanh.
Bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của mình, Viettel tuyên bố sứ mệnh tiên phong, chủ lực sáng tạo xã hội số, với mong muốn tổng hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhấn mạnh những đóng góp của các hợp tác xã với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong nông nghiệp, vận tải hàng hóa, thương mại và dịch vụ (chiếm gần 40% thị phần siêu thị hiện đại tại TPHCM…), đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là những nơi giãn cách xã hội, nâng cao đời sống hội viên…
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, cho rằng mặc dù thảm họa dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử nhưng đã chứng minh ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Giới doanh nhân cũng luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các cấp. Các luật về doanh nghiệp, đầu tư, các nghị quyết của Chính phủ ban hành rất kịp thời. Nhiều câu nói của Thủ tướng đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, in đậm trong tâm trí các doanh nhân, đồng thời là kim chỉ nam cho con đường phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng: Thủ tướng luôn dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển kinh tế và sự đóng góp của giới doanh nhân. Thủ tướng cũng rất quan tâm cải cách thể chế để các doanh nghiệp có cơ sở phát triển.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch. Nhân dịp này, ông Quang thông báo tiến độ Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất tại Mỹ, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, khẳng định đội ngũ doanh nhân xác định vai trò, sứ mệnh của mình trong sự phát triển của đất nước. Bà Thanh cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, bao trùm của các doanh nghiệp thời gian tới, bên cạnh việc thích ứng an toàn với dịch bệnh thì việc quản trị nguồn lực lao động, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các vấn đề này thông qua các hiệp hội doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự động viên, tin tưởng của các doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ. “Trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp; doanh nghiệp là chủ thể thì doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.
Thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.
Các ý kiến tại cuộc gặp mặt thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay rất nhiều, chúng ta không lường hết được những diễn biến bất ngờ khi đại dịch xảy ra. “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng phát biểu.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, dứt khoát phải vượt qua khó khăn, thách thức, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Đó là điều mong muốn nhất mà tất cả chúng ta hướng tới, cũng là chủ trương lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta.
Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu, Thủ tướng cho rằng cần cố gắng nhiều hơn nữa và mong cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục chia sẻ với Đảng, Nhà nước.
Quốc hội và Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu, căn cứ điều kiện và tình hình cụ thể để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các bộ ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng khẳng định, những bài học, kinh nghiệm trong thời gian qua giúp chúng ta tự tin hơn trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các trụ cột trong phòng chống dịch là giãn cách, cách ly (hẹp nhất, nhanh nhất, chặt chẽ nhất có thể); xét nghiệm (thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch); điều trị (người bệnh được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, ngay tại cơ sở).
Thủ tướng nhắc lại nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các bài học này, như giãn cách hẹp nhất tại Hà Nam, xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội và thiết lập hơn 400 trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là bài học huy động nguồn lực từ nhiều địa phương để tổng lực hỗ trợ một địa phương khoanh vùng, kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất. “Một thôn có dịch thì cả phường tập trung làm, một xã có dịch thì cả huyện tập trung làm, một tỉnh có dịch thì dồn lực các tỉnh xung quanh để làm”. Tiếp tục thực hiện 5K, chiến lược vaccine, ứng dụng công nghệ.
Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vaccine cho người lao động. Với nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chiến lược vaccine và đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IV năm 2021 với các đối tượng ưu tiên (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp…) Chúng ta cũng đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt, tránh ách tắc, cục bộ. Thủ tướng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, “cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân”. Quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Quá trình này phải có sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vaccine để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn.
Tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.
“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.
Tiếp theo là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; đặc biệt là có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động. Thiết lập kênh thông tin phù hợp để người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giải quyết những yêu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất có thể.
“Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những việc đã và đang làm, có nhiều việc làm tốt, có không ít việc chưa làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Tôi tin tưởng vào kinh nghiệm, sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vì sự nghiệp chung”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng nêu nhiều giải pháp để tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình có rất nhiều khó khăn, nhưng với tài sản vô giá là tinh thần đại đoàn kết, những nền tảng quan trọng tích lũy được trong nhiều năm, với kết quả kiểm soát dịch bệnh và kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian qua, chúng ta có đủ tự tin để mở cửa trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Các bộ ngành, địa phương cần giải quyết những yêu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất.