Vietnet24h - Nhân chuyến sang thăm Việt Nam của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae - in theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã kết hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức sự kiện “Xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu” với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công nghiệp và công nghệ cao Việt Nam – Hàn Quốc”.
Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Đến năm 2009, hai nước ngày càng phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Quy mô trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh chóng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Hàn - Việt có hiệu lực từ cuối năm 2015. Đến năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 63,9 tỷ USD, nhờ đó Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc và Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo thống kê, trong tổng số 8.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào ASEAN, có 5.500 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 170 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi đó khoảng 150 nghìn người Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam..
Trao đổi về triển vọng phát triển các thương hiệu sản phẩm công nghiệp và công nghệ cao của Việt Nam thông qua hợp tác với Hàn Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Đinh Thị Bảo Linh cho biết, hiện nay, trong sự phát triển theo chiều sâu của ngành công nghiệp Việt Nam, tốc độ tăng trưởng sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng đều qua các năm và tăng cao hơn tốc độ sản xuất công nghiệp nói chung, thay vì chỉ phụ thuộc vào ngành khai khoáng hay nguyên liệu thô.
Trong năm 2017, Theo số liệu từ Bộ Công Thương, một số mặt hàng đã có tăng trưởng rất tốt về sản xuất như các loại máy biến thế, động cơ một chiều, thiết bị cơ khí… Các sản phẩm điện tử, linh phụ kiện hiện nay cũng đang tập trung ở một số thành phố lớn mà các doanh nghiệp FDI đang có dự án đầu tư.
Trong xu hướng phát triển đó, một số doanh nghiệp của Việt Nam như Công ty SMC đã trở thành đối tác cung ứng cho các doanh nghiệp lớn như Panasonic, Daikin… Gần đây nhất, Công ty Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup đã đưa ra các mẫu xe ô tô của riêng mình, mục tiêu hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phát ngày càng triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào mức sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Tại những năm có dự án FDI mới thì sản lượng thường tăng rất mạnh. Còn những năm doanh nghiệp FDI điều chỉnh chính sách sản xuất thì tốc độ tăng trưởng sản xuất lại bị sụt giảm.
Đối với hoạt động xuất khẩu, ngành chế biến chế tạo ngày càng chiếm kim ngạch lớn trong xuất khẩu. Song khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất lớn; doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều điểm hạn chế. Chính vì vậy, việc kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI là hết sức quan trọng.
Trong rất nhiều lĩnh vực, Việt Nam đang muốn tham gia hợp tác sâu vào 3 lĩnh vực gồm: Linh kiện phụ tùng (kim loại, nhựa - cao su, điện – điện tử); công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Cũng tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có cơ hội giới thiệu, trao đổi thông tin doanh nghiệp để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, gia tăng kết nối hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng phát triển.